Một nghiên cứu mới đây cho thấy cứ 10 nạn nhân bị quấy rối tình dục nơi công sở thì có 4 người sẽ đứng ra tố cáo. Tuy nhiên, 9/10 người tố cáo sẽ bị các đối tượng trả thù như bắt nạt hay sa thải.
Tổ chức phi chính phủ có tên Workplace Abuse 119 đã cho công bố kết quả phân tích như trên vào ngày 31/1, sau khi nghiên cứu 364 văn bản tố cáo quấy rối tình dục nơi công sở từ tháng 11/2017.
Nghiên cứu cho thấy 90% nạn nhân tố cáo quấy rối tình dục nơi công sở ở Hàn Quốc bị trả thù. (Ảnh minh họa)
Trong số các nạn nhân tìm kiếm sự hỗ trợ của tổ chức Workplace Abuse 119, 136 người tương đương 37,4% đã đệ đơn tố cáo chính thức tại nơi làm việc.
Phần lớn hành động quấy rối tình dục nơi công sở mà thủ phạm là những người có quyền lực. Do đó, các nạn nhân thường không dám tố cáo do sợ bị trả thù hoặc bị đối xử bất công tại nơi làm việc.
Cũng theo phân tích, những đối tượng trả thù thường có vị thế cao hơn nạn nhân trong công ty và chiếm 89% số vụ việc được tố giác. Đáng nói, 3 trong 10 vụ việc, các ông chủ lại chính là kẻ tấn công tình dục nhân viên.
Trong số những nạn nhân tố giác vụ việc, 90,4% chịu tổn thương lần 2. Cụ thể, gần 53% nạn nhân bị bắt nạt, sa thải, chuyển việc hoặc trở thành đối tượng bị tin đồn bủa vây. Đáng nói, 37,5% cho biết đơn tố cáo của họ còn bị phớt lờ.
Trong số những nạn nhân được Workplace Abuse 119 hỗ trợ thì có tới 83,2% là nữ giới.
Khoảng 69% nạn nhân cũng cho biết không chỉ bị quấy rối tình dục, họ còn chịu đựng những kiểu tấn công khác nữa.
“Quấy rối tình dục nơi công sở không phải là chuyện tình cờ, mà nó xuất phát từ mối quan hệ cá nhân giữa nạn nhân và kẻ tấn công. Thậm chí, chuyện tấn công tình dục vẫn xảy ra, dù nạn nhân không làm gì sai trái”, luật sư Yoon Ji-young, một trong những người tham gia nghiên cứu của tổ chức Workplace Abuse 119 chia sẻ.
Để đối phó trước vấn nạn trên, Workplace Abuse 119 cho rằng cần dân chủ hóa nơi làm việc và người sử dụng lao động cần có thêm trách nhiệm ngăn chặn quấy rối tình dục nơi công sở. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc cần chủ động ngăn chặn và ban hành các bộ luật liên quan để xác định rõ như thế nào là nạn nhân và như thế nào là thủ phạm nhằm có hình thức xử phạt thích đáng.