Hận một người phụ nữ, Hoàng đế Minh triều khai tử ni cô

Trần Quỳnh |

Là chủ nhân của bi kịch cướp ngôi chấn động Minh triều, ít ai biết rằng, Minh Thành Tổ Chu Đệ còn gây nên một "thảm án tôn giáo" kinh động lịch sử Trung Hoa.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến Minh Thành Tổ Chu Đệ "khai tử" với các ni cô và nữ đạo sĩ Minh triều?

Bi kịch xuất phát từ... một người phụ nữ!

Ni cô là cách gọi những người phụ nữ đã xuất gia, tu hành theo đạo Phật. Họ phải giữ cho "lục căn thanh tịnh", tuân thủ "tứ đại giai không", gạt bỏ mọi vướng bận với phàm tục và tất nhiên là không dính dáng tới triều đình.

Từ thuở khai quốc, các triều đại phong kiến Trung Hoa trước đó chưa từng quấy nhiễu tới tầng lớp này. Bởi vậy, hành động tróc nã, đuổi giết ni cô, nữ đạo sĩ của Minh Thành Tổ Chu Đệ hiển nhiên trở thành "thảm án" chấn động.

Nguyên nhân của "thảm án ni cô" này bắt nguồn từ một người phụ nữ khiến Chu Đệ cả đời thống hận. Đó là nữ hiệp Đường Trại Nhi (1399-?) – lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình vào những năm Vĩnh Lạc.

Hận một người phụ nữ, Hoàng đế Minh triều khai tử ni cô - Ảnh 1.

Nữ hiệp Đường Trại Nhi đã trở thành nguồn cơn khiến Chu Đệ "khai tử" với tầng lớp ni cô, nữ đạo sĩ. (Tranh: nguồn internet).

Theo "Minh sử" ghi lại, vào tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 18, Đường Trại Nhi (quê ở Bồ Đài, Tân Châu, Sơn Đông) đã quy tập mấy ngàn giáo đồ Bạch Liên giáo, khởi nghĩa vũ trang chống lại triều đình.

Vụ việc này đã dấy lên phong trào khởi nghĩa nông dân ở Sơn Đông, nhưng bởi quy mô nhỏ, thời gian tồn tại ngắn, nên không gây nhiều tác động đối với giai cấp cầm quyền, thậm chí còn không được ghi lại trong sách giáo khoa ngày nay.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ, Hoàng đế Chu Đệ lại "vô cùng khiếp sợ", chẳng những phái ra 5000 quân tinh nhuệ từ kinh sư, mà còn đặc biệt huy động biệt đội kháng Oa (kháng Nhật) ở duyên hải Sơn Đông để trấn áp cuộc khởi nghĩa nhỏ bé này.

Hận một người phụ nữ, Hoàng đế Minh triều khai tử ni cô - Ảnh 2.

Đàn áp đẫm máu cuộc khởi nghĩa của Đường Trại Nhi là mở đầu trong chuỗi những hành động "trả thù" của Chu Đệ. (Tranh: nguồn internet).

Theo các nhà sử học Trung Quốc, hành động trấn áp đẫm máu của Chu Đệ xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu dưới đây:

Thứ nhất, cuộc khởi nghĩa của Đường Trại Nhi phát sinh vào khoảng thời gian trước Minh triều chuẩn bị rời đô tới Bắc Kinh.

Thay đổi kinh sư là việc trọng đại, liên quan trực tiếp tới hình tượng, uy danh của Hoàng đế và lợi ích của đất nước. Bởi vậy, Chu Đệ quyết không để cho bất cứ việc gì gây nhiễu loạn tới sự kiện quan trọng này.

Thứ hai, khởi nghĩa của Đường Trại Nhi có đội ngũ cốt cán là những thành viên của Bạch Liên giáo. Trong mắt Chu Đệ, giáo phái này bị xếp vào hàng "tà ma ngoại đạo", cương quyết không thể để dân chúng bị mê hoặc.

Thứ ba, đội quân của khởi nghĩa nông dân không ngừng lớn mạnh, thậm chí nhiều lần đánh bại quan quân triều đình. Việc này khiến cho Chu Đệ và triều đình mất hết thể diện.

Từ những nguyên nhân kể trên, Minh Thành Tổ đã đem lòng thống hận nữ hiệp Đường Trại Nhi, thậm chí còn hận lây sang cả những ni cô, nữ đạo sĩ đương thời.

Dưới sự đàn áp đẫm máu của triều đình, khởi nghĩa chỉ duy trì chưa đầy 3 tháng. Nhưng sự biến mất một cách bí ẩn của nữ hiệp Đường Trại Nhi lại tiếp tục trở thành nguyên nhân của "thảm án ni cô" sau đó.

"Thảm án ni cô" kinh động lịch sử

Để tiêu trừ thù hận trong lòng, cũng nhằm mục đích "diệt cỏ tận gốc", Chu Đệ đã quyết định "giết một người để răn trăm người".

Minh Thành Tổ hạ lệnh truy nã Đường Trại Nhi, tiến hành điều tra bách tính, dân thường trên phạm vi rộng lớn. Tuy nhiên, tung tích của nữ hiệp họ Đường vẫn "lặn tăm" một cách bí ẩn.

Lúc bấy giờ, có người liền tố giác với Chu Đệ: chỉ có kẻ đã trà trộn vào Phật môn mới có thể trốn tránh được quan quân triều đình!

Hơn nữa, khi phất cờ khởi nghĩa, Đường Trại Nhi từng tự xưng là "Phật mẫu", khiến Chu Đệ càng tin vị nữ hiệp này có liên quan tới cửa Phật.

Hận một người phụ nữ, Hoàng đế Minh triều khai tử ni cô - Ảnh 3.

Minh Thành Tổ tin rằng Đường Trại Nhi đã xuất gia để lẩn tránh sự truy bắt của triều đình. (Ảnh minh họa).

Năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420), Minh Thành Tổ Chu Đệ đột nhiên hạ lệnh bắt tất cả các ni cô và nữ đạo sĩ ở Sơn Đông, Bắc Kinh về kinh sư để thấm vân, xác minh thân phận.

Mặc dù mệnh lệnh được ban hành trên danh nghĩa "thẩm vấn", nhưng triều đình nhiều lần lạm dụng nhục hình, thậm chí còn bắt tay với tầng lớp hòa thượng để đẩy những phụ nữ xuất gia vào cảnh "sống không bằng chết".

Tháng 7 cùng năm, Minh Thành Tổ phong cho Đoàn Minh làm Tả tham chính Sơn Đông, tiếp tục truy tìm tung tích của Đường Trại Nhi. Để lập công với Thành Tổ, Đoàn Minh mở rộng phạm vi điều tra ra cả nước, làm liên lụy tới mấy vạn phụ nữ đã xuất gia, tu hành.

Hận một người phụ nữ, Hoàng đế Minh triều khai tử ni cô - Ảnh 4.

Hành động "khai tử" với các ni cô và giới đạo sĩ của Chu Đệ đã đẩy hàng ngàn đệ tử nhà Phật vào thảm cảnh. (Ảnh minh họa).

Sự kiện này đã từng được ghi lại trong "Minh sử": "Tháng hai năm Vĩnh Lạc thứ 18, Đường Trại Nhi người Sơn Đông làm phản nhưng không bắt được, triều đình liền bắt giữ hành vạn phụ nữ xuất gia."

Cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, Chu Đệ vẫn chưa thể bắt giữ nữ hiệp Đường Trại Nhi. Minh triều thấy hành động tróc nã này quá mất lòng dân nên mới dừng lại.

Tuy vậy, "thảm án ni cô" đã gây nên bi kịch không chốn dung thân cho hàng vạn ni cô, đạo sĩ, thậm chí tước đi sinh mạng của hơn một ngàn người.

Đây được xem là "vụ án ni cô" chấn động nhất trong lịch sử Trung Quốc, phá vỡ sự thanh tịnh của Phật giáo đã được duy trì cả ngàn năm tại nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại