Những hình ảnh này được chụp lại tại bang Boqueron – địa danh thuộc vùng biên giới của Paraguay, giáp ranh với Argentine.
Hạn hán nghiêm trọng nhất trong 19 năm qua tại đây đã và đang đẩy hàng loạt động vật vào chỗ chết. Và như một hệ lụy tất yếu, nhiều giống loài thậm chí đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Con sông lớn nhất, chảy xuyên qua bang là sông Rio Pilcomayo đã trở nên khô cạn, không còn lấy một giọt nước. Tôm cá – các sinh vật sống trong nước tất nhiên không thể thoát được kiếp nạn khủng khiếp này.
Cá chết khô cong trên lòng sống nứt nẻ.
Ngay cả những con cá sấu khổng lồ cũng không còn đủ sức chống chọi lại với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Nguyên nhân rất đơn giản và dễ hiểu, cá sấu là loài động vật sinh sống phụ thuộc hoàn toàn vào nước, không có nước, chúng không thể săn mồi, không thể làm mát cơ thể cũng không thể duy trì sự sống. Vì lẽ đó, một khi hạn hán xảy ra, cá sấu chết thảm là không thể tránh khỏi.
Hàng trăm con đã chết khô, phơi xác trắng xóa trên lòng sông và trở thành thức ăn cho kền kền.
Cá sấu chết phơi xác trên lòng sông.
"Tất cả mọi người đều đang tìm kiếm và áp dụng các giải pháp hữu hiệu nhất nhưng dường như chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy thảm họa này sẽ sớm dừng lại", Edwin Paul - thống đốc bang Boqueron cho hay.
Nhiều chủ nông trại lớn đã cố gắng khắc phục tình trạng này bằng cách bơm nước vào các đầm lầy nhưng nỗ lực này chỉ như muối bỏ bể.
Nhiều người thậm chí đã phải thuê nhân công di chuyển những con vật đến những vùng rộng hơn, có nước để duy trì sự sống cho chúng.
Những con cá sấu phải "chuyển nhà" để duy trì sự sống.
Được biết loài cá sấu Caiman sống trên sông Rio Pilcomayo là loài cá sấu nhỏ, chỉ tấn công con người khi bị chọc giận.
Được "chuyển nhà" đồng nghĩa với việc những con cá sấu tại đây sẽ phải học cách thích nghi với môi trường mới.
Cũng có người thậm chí còn lo ngại việc di chuyển nhân tạo này có thể khiến môi trường sinh thái trong lòng sông mà đàn cá sấu di chuyển đến bị thay đổi. Tuy vậy, tính tới thời điểm hiện tại, đây chính là biện pháp không thể tốt hơn.
Không chỉ có các loài cá sinh sống dưới nước phải chịu chết, các loài động vật khác tại đây cũng đang chết vì khát, chết vì nguồn thực vật không thể sinh sôi, phát triển khi không có nước.
Thực trạng trước mắt không chỉ khiến nhà chức trách Paraguay và nhiều quốc gia Nam Mỹ đang phải đối phó với hạn hán lo lắng mà phàm là con người, hẳn ai cũng sẽ hiểu nguồn cơn của những hiện tượng thời tiết siêu cực đoan này.
Một khi con người tác động tiêu cực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên, lẽ tất yếu, các thảm họa sẽ gia tăng và không ai khác ngoài con người sẽ phải gánh chịu những hậu quả do thiên nhiên gây ra.
Một số hình ảnh về đợt hạn hán khủng khiếp đang diễn ra tại Paraguay:
Khi nước trên đáy sông không còn một giọt.
Khi lòng sông còn chút nước ít ỏi.
Khi nước còn dồi dào.
Bầy kền kền chờ "cơ hội" trong hạn hán.