Tướng Abdourahamane Tiani tuyên bố là "Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ Tổ quốc Quốc gia", sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum. Ảnh: AFP/Getty Images
Các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger đang cố gắng hết sức khi họ đối mặt với thời hạn chót từ các nước láng giềng phải từ bỏ quyền lực nếu không sẽ đối mặt với hành động quân sự có thể xảy ra.
Khối Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã ra hạn chót cho quân đội Niger vào ngày 6/8 (theo giờ địa phương) phải trả tự do và khôi phục quyền lực cho tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum. Một trong những quan chức của khối cho biết kế hoạch can thiệp đã được “vạch ra”, nhưng đó chỉ là phương án cuối cùng.
Tuy nhiên, khi hạn chót gần đến, hành động quân sự đang trở thành một khả năng thực tế.
Tình hình Niger
Niger nằm ở trung tâm khu vực Sahel của Châu Phi, nơi đã chứng kiến nhiều cuộc thâu tóm quyền lực trong những năm gần đây, bao gồm cả ở Mali và Burkina Faso.
Nhưng Niger cũng là một trong số ít các nền dân chủ còn lại trong khu vực.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử của Tổng thống Bazoum vào năm 2021 đã đánh dấu một quá trình chuyển giao quyền lực tương đối hòa bình, vượt qua nhiều năm đảo chính quân sự sau khi Niger giành độc lập khỏi Pháp vào năm 1960.
Nhưng có những dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo quân sự của Niger tin rằng họ thiếu sự hỗ trợ của chính phủ để chống lại các chiến binh và một cuộc đảo chính có thể thay đổi nỗ lực của họ.
Cuộc đảo chính được phát động vào cuối tháng 7 khi ông Bazoum bị lực lượng bảo vệ tổng thống bắt giữ, trước khi các cơ quan chính phủ bị đóng cửa và người biểu tình từ cả hai phía đổ xuống đường.
Người biểu tình cầm cờ Niger và cpừ Nga trèo qua cổng vào tòa nhà Quốc hội trong một cuộc biểu tình ở Niamey. Ảnh: EPA-EFE/Shutterstock
Có khả năng can thiệp không?
ECOWAS đã thể hiện sự sẵn sàng hành động trong trường hợp các nhà lãnh đạo đảo chính từ chối từ bỏ quyền lực hoặc khi khủng hoảng chính trị leo thang. Chủ tịch mới của ECOWAS là tân Tổng thống Bola Tinubu của Nigeria, người mà các nhà phân tích cho rằng sẽ rất muốn tạo dấu ấn và chứng tỏ rằng ông không phải là người dễ dãi.
Đây sẽ là cuộc khủng hoảng đầu tiên trong nhiệm kỳ lãnh đạo ngắn ngủi của ông - đại diện cho Nigeria - tại ECOWAS. Tuy nhiên, ông Tinubu không có kinh nghiệm quân sự.
Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo này đã đưa ra không ít những tuyên bố mạnh mẽ. Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin hôm 4/8 rằng ông Tinubu đã viết thư thông báo cho các nhà lập pháp ở Nigeria, như ông được yêu cầu phải làm về mặt pháp lý, về ý định can thiệp quân sự của ECOWAS vào Niger nếu giới lãnh đạo đảo chính “vẫn ngoan cố”.
Sénégal, một quốc gia quan trọng trong khu vực, cũng đã cam kết tham gia binh sĩ can thiệp, trong khi Pháp - cường quốc từng đô hộ Niger, tuyên bố ủng hộ quan điểm của ECOWAS.
Sau cuộc họp của ECOWAS trong tuần này, Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của khối, Abdel-Fatau Musah đã thừa nhận bất kỳ lựa chọn quân sự nào cũng là “phương sách cuối cùng” nhưng nói thêm rằng “tất cả các yếu tố dẫn đến bất kỳ sự can thiệp cuối cùng nào đều đã được tính toán và đang được rà soát.”
Oluseyi Adetayo, một chuyên gia tình báo và an ninh, nói với CNN: “Việc chuẩn bị đã ở mức cao nhất, không nghi ngờ gì về điều đó và quân đội đang ở chế độ sẵn sàng".
“Theo hiểu biết của tôi, ECOWAS sẽ không lùi bước và sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đưa Niger trở lại chế độ dân sự", ông Adetayo nói thêm.
“Họ muốn trả lại quyền lực cho (Tổng thống bị lật) Bazoum nhưng có khả năng đó không phải là một kết quả khả thi. Họ có thể phải thỏa hiệp bằng cách yêu cầu chính quyền rời bỏ quyền lực nhưng họ sẽ không giao nộp Bazoum. Họ sẽ thua và Bazoum cũng vậy, và một nhân vật nào đó trung lập có thể tham gia điều hành một chính phủ chuyển tiếp", chuyên gia Adetayo nhận định.
Binh sĩ Nigeria thuộc ECOMOG, nhánh quân sự của ECOWAS, đang điều chỉnh bệ phóng tên lửa ở làng Lomo Nord, miền trung Bờ Biển Ngà, ngày 14/02/2003. Ảnh: AFP
ECOWAS đã từng can thiệp quân sự chưa?
Trường hợp đáng chú ý gần đây nhất là vào năm 2017, khi ECOWAS triển khai lực lượng quân sự ở Gambia để loại bỏ Tổng thống Jammeh, người không muốn từ bỏ quyền lực sau cuộc bầu cử.
Một cuộc biểu dương lực lượng của khối ở biên giới đã buộc ông Jammeh phải từ chức, dẫn đến một giải pháp nhanh chóng. Sự kiện này đã đặt ra câu hỏi liệu các chiến thuật tương tự có thành công trong tình hình hiện tại ở Niger hay không.
Khối cũng đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình, chủ yếu từ Nigeria tới các vùng chiến sự như Sierra Leone và Liberia.
Nhưng đây là lần đầu tiên ECOWAS đe dọa can thiệp vào một cuộc đảo chính và trước đó họ không có phản ứng như vậy sau các cuộc đảo chính ở nước láng giềng Mali hoặc Burkina Faso.
Vậy tại sao lại là Niger?
Niger có ý nghĩa khu vực rất lớn. Đây là quốc gia lớn nhất ở Tây Phi và là cửa ngõ quan trọng giữa vùng Sahel và phần còn lại của lục địa.
Khu vực Sahel đang phải đối mặt với những thách thức an ninh như khủng bố, nổi dậy và Niger là một chiến trường quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, là trọng tâm của các nỗ lực an ninh khu vực và quốc tế.
Mỹ và Pháp coi Niger là một đồng minh quan trọng và cả hai nước đều có căn cứ quân sự ở Niger.
Đất nước này sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng, với uranium là tài sản đáng chú ý nhất. Niger là nhà sản xuất uranium hàng đầu, rất quan trọng đối với năng lượng hạt nhân và các ứng dụng công nghiệp khác.
Người dân Niger phản ứng thế nào?
Người dân Niger đang bị chia rẽ – đất nước này đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính và chế độ độc tài, nhưng đồng thời chính quyền yếu kém đã làm hoen ố ý tưởng rằng dân chủ là giải pháp.
Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và người dân đang phải chịu đựng gánh nặng đó. Họ vẫn phải chạy vạy các nhu yếu phẩm cơ bản như thức ăn và chỗ ở.
Người biểu tình tập trung bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở Niamey ủng hộ các lãnh đạo đảo chính vào ngày 30/7/2023. Ảnh: AFP
Một số người dân đã hoan nghênh cuộc đảo chính. Các cuộc biểu tình chứng kiến người Niger tố cáo Pháp và ca ngợi Nga. Nhóm bán quân sự Wagner của Nga đang đóng vai trò hỗ trợ cho một số nhà lãnh đạo Tây Phi khác.
“Có những cuộc biểu tình ủng hộ đảo chính trên khắp đất nước, không chỉ ở Niamey", ông Ali Sounama, một nhà báo người Nigeria nói với CNN.
“Đã có sự điều hành, quản lý kém ở Niger trong 10 năm qua, thiếu công bằng và cảm giác bất an nói chung. Bên cạnh đó, các trường học và cơ sở y tế nghèo nàn. Tất cả những điều này đã dẫn đến việc người dân hoan nghênh sự thay đổi chế độ”, ông Sounama nói thêm.
Tình cảm đó cho thấy rằng ngay cả khi mục tiêu đã nêu là khôi phục nền dân chủ, thì một cuộc can thiệp quân sự có thể không được hoan nghênh trên khắp đất nước Niger.