Hạn chót đến gần, Triều Tiên sẽ tặng “quà Giáng sinh” gì cho Mỹ?

Phạm Hà |

Triều Tiên tuyên bố cách hành xử của Mỹ sẽ quyết định món "quà Giáng sinh" mà nước này nhận được khiến giới chuyên gia hiện đang “đau đầu” giải mã.

Quan hệ Mỹ - Triều lại nóng lên mấy tuần gần đây với cảnh báo liên tiếp của Triều Tiên nhằm vào Mỹ, khi hạn chót cuối năm đặt ra để cứu vãn các cuộc đối thoại hạt nhân đang đến gần. Triều Tiên tuyên bố cách hành xử của Mỹ sẽ quyết định món "quà Giáng sinh" mà nước này nhận được, khiến giới chuyên gia đang tranh luận sôi nổi để giải mã.

Ngay cả những bộ óc nhạy bén và giàu kinh nghiệm nhất đều nhận định khó có thể dự đoán về những bước đi tiếp theo của CHDCND Triều Tiên. Tuy vậy, hầu như tất cả các chuyên gia đều có sự đồng thuận rằng Triều Tiên đang quá thất vọng với những gì họ cho là thiếu linh hoạt và sáng tạo từ các nhà đàm phán Mỹ. Và đáng lo ngại hơn cả là Triều Tiên sẽ buộc phải hành động để phá vỡ “sự im lặng” hiện nay.

Truyền thông phương Tây đặt ra hai “món quà” Triều Tiên có thể tặng Mỹ nếu tiến trình đàm phán lâm vào bế tắc.

Giải pháp thứ nhất đó là phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Kể từ khi lên nắm quyền từ năm 2011, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đặt thành công hai vệ tinh lên quỹ đạo. Triều Tiên luôn khẳng định chương trình không gian là vì mục đích hòa bình, khoa học nhưng thực tế một vụ phóng vệ tinh sử dụng công nghệ tương tự như thử tên lửa đạn đạo. Triều Tiên cuối tuần qua tuyên bố vụ thử gần đây nhất của nước này sẽ thúc đẩy "răn đe hạt nhân chiến lược đáng tin cậy" cho thấy vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên sẽ kèm theo thông điệp mạnh mẽ khác, trong đó có việc chứng minh khả năng của Triều Tiên tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.

Món quà thứ 2 được đánh giá là “nặng ký hơn” và chắc chắn khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể “ thờ ơ”, đó là khả năng Triều Tiên có thể thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hoặc thử hạt nhân. Năm 2017, Triều Tiên cũng đã lần đầu tiên thử nghiệm ICBM như một "món quà" cho Mỹ trong ngày Quốc khánh. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng hiểu rằng, nếu thử ICBM hay hạt nhân sẽ vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Mỹ và thế giới, bao gồm cả đồng minh Trung Quốc. Hàn Quốc và Mỹ chắc chắn sẽ có phản ứng mạnh mẽ, có thể bao gồm nối lại các cuộc tập trận quân sự, triển khai lực lượng Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên… Điều này sẽ phá vỡ tiến trình ngoại giao đạt được gần đây và chấm dứt mọi hi vọng nới lỏng trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Rõ ràng với hậu quả của giải pháp thứ 2, thì giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên có khả năng vẫn nghiêng về giải pháp 1 hơn. Mặc dù đưa ra cảnh báo cứng rắn nhưng Triều Tiên vẫn luôn để ngỏ cơ hội đối thoại với Mỹ. Sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội vào tháng 2 vừa qua, Tổng thống Trump cho biết Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đảm bảo rằng "ông sẽ không thử tên lửa hoặc bất cứ điều gì liên quan đến hạt nhân".

Tuy nhiên đảm bảo này không bao gồm xác định cụ thể là “phóng vệ tinh”. Do đó, với việc Triều Tiên phóng vệ tinh vào quĩ đạo không chỉ giúp răn đe Mỹ mà vẫn mở cơ hội cánh cửa đối thoại. Tuy vậy, giới chuyên gia nhận định, Triều Tiên có thể làm bất cứ điều gì họ thấy cần thiết để tăng cường răn đe hạt nhân. Do đó không nên “đánh giá thấp bất kì khả năng nào”.

Hiểu rõ điều này và đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ cũng cần “khoảng lặng” trên Bán đảo Triều Tiên để tập trung vào cuộc bầu cử nên Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang nỗ lực để đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán. Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên, ông Stephen Biegun đang có chuyến thăm Hàn Quốc để thảo luận với các quan chức nước này. Trong một thông điệp gửi tới Triều Tiên, ông Stephen Biegun hôm nay bác bỏ về hạn chót cuối năm do Triều Tiên đặt ra. Ông khẳng định, đối với nước Mỹ chỉ có một mục tiêu đó là thực hiện các cam kết mà hai nhà lãnh đạo đưa ra tại hội nghị Thượng đỉnh ở Singapore, đồng thời hối thúc Triều Tiên quay trở lại bàn đối thoại:

“Đã đến thời điểm Mỹ và Triều Tiên thực hiện nhiệm vụ của mình và hoàn thành nó. Tôi đang có mặt tại Hàn Quốc và Triều Tiên biết cách làm thế nào để chúng ta có thể đối thoại. Mỹ hiểu được rằng có khả năng lớn Triều Tiên thực hiện các hành động khiêu khích trong thời gian tới. Tuy nhiên phải nói rằng, những hành động như vậy sẽ không giúp ích gì trong việc đạt được hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên”.

Đặc phái viên của Hàn Quốc về hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên Lee Do Hoon cũng khẳng định sẽ giải quyết các mối lo ngại của Triều Tiên nếu đàm phán được nối lại:

“Trong các cuộc đàm phán hạt nhân, Đặc phái viên Mỹ nhấn mạnh rằng không có sự thay đổi lập trường của Mỹ theo đuổi giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và ngoại giao. Mỹ cũng tái khẳng định rằng tất cả các vấn đề liên quan đến lợi ích của Triều Tiên có thể được thảo luận nếu các cuộc đối thoại được nối lại”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại