Tại Hội thảo lấy ý kiến người lao động (NLĐ) về chế độ BHXH một lần trong dự án Luật BHXH sửa đổi do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây ở TP HCM, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia BHXH là 5%-6%/năm. Trong đó, số người hưởng theo điều kiện sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH chiếm gần 99% và chủ yếu là NLĐ làm việc ở khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước (gần 91%).
Mới đây, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về dự luật BHXH (sửa đổi), Chính phủ đã trình 2 phương án rút BHXH một lần. Phương án 1 là phân nhóm gồm: Người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm 2 là người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến ngày 1-7-2025) không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).
Chính phủ đánh giá phương án này sẽ từng bước khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần của thời gian qua nhưng vẫn có hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần. Điều này dẫn đến số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều.
Phương án 2 là: “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH”.
Liên quan đến vấn đề này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phản ánh, phân tích những bất cập của Luật BHXH hiện hành và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả. Về độ tuổi nghỉ hưu, bạn đọc Nguyễn Lập cho rằng thay vì cứ nam 62, nữ 60 thì nhà nước cần có thêm nhiều độ tuổi nghỉ hưu theo từng nghề. "Tôi thấy ngay ở việc hạn chế độ tuổi lái xe hạng D;E cũng thấy rằng độ tuổi nghỉ hưu là vẫn chưa phù hợp với nghề"- bạn đọc này bày tỏ. Còn với bạn đọc Trần Ngọc Ba, nên thay đổi cách tính luong hưu là bình quân 10 năm cuối là hợp lý.
Bạn đọc Lê Văn Thi bày tỏ: "Tôi năm nay 55 tuổi đã đủ thứ bệnh rồi đã đóng BHXH trên 20 năm bây giờ nghỉ việc chờ đến 62 tuổi không biết sống bằng gì. Mong nhà nước xem xét vấn đề hạ tuổi nghỉ hưu cho phù hợp". Bạn đọc Nguyễn Văn Hương phân tích thêm: "Năm 2017 nam đóng BHXH chỉ 30 năm, nữ đóng 25 năm là được lãnh 75% lương, nhưng từ năm 2022 trở về sau nam phải đóng 35 năm, nữ phải đóng 30 năm mới được hưởng 35% rõ ràng là gây bất lợi cho người lao động. Có chắc là thời gian kế tiếp chính sách có thay đổi nữa không ?".
Tương tự, bạn đọc Công Thành cho rằng vấn đề NLĐ bức xúc là đi làm sớm, đóng BHXH sớm, đã đóng đủ 25-30 năm nhưng bị mất việc hay ốm đau phải nghỉ thì không được quyền lợi gì mà phải chờ đến 60-62 tuổi. Theo bạn đọc này, phải áp dụng nguyên tắc "đóng-hưởng" và việc nghỉ việc sớm khi đã đủ năm đóng thì phải được nhận lương theo tỷ lệ số năm đóng và số tuổi còn thiếu. "Phải đặt mình vào hoàn cảnh NLĐ thì mới làm chính sách phù hợp, ngược lại sẽ bất công khi càng đóng sớm, càng thiệt. Hãy trả lại tuổi hưu 55 và 60 thì sẽ hạn chế rút 1 lần và không thể có chuyện ảnh hưởng an sinh xã hội" – bạn đọc này viết. Còn theo bạn đọc Trần Bá Hùng, cứ đủ năm cho người lao động chọn về hưu hay đóng tiếp để hưởng phần trăm thêm thì mới giải quyết được rút BHXH 1 lần.