Hạn chế nhập khẩu “siêu thực phẩm” cho nhà giàu, Trung Quốc làm dự án chưa từng có, sản lượng 50 tấn/năm

Minh Hằng |

Dự án này của Trung Quốc không chỉ có giá trị kinh tế cao mà con giúp quốc gia này hạn chế được sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.

Theo Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc, quốc gia tỷ dân đã thực hiện thành công dự án thí điểm về tận dụng năng lượng lạnh trong quá trình xử lý khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để giúp nuôi các loại hải sản giá trị cao ở cảng Đại Bằng, tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Các loại hải sản có giá trị cao được nuôi trong dự án này, bao gồm cá mú, tôm hùm và bào ngư.

Trên thực tế, Cảng Đại Bằng ở Trung Quốc đã tái khí hóa hơn 8 triệu tấn LNG trong năm 2023. Trong quá trình này, khí tự nhiên hóa lỏng ở nhiệt độ -160 độ C sẽ được làm nóng bằng nước biến để thực hiện hóa khí. Sau đó, năng lượng lạnh từ LNG khi bốc hơi sẽ làm giảm nhiệt độ của nước biển từ 3 – 5 độ C. Đây là điều kiện rất thích hợp cho sự phát triển của những loài hải sản có giá trị kinh tế cao.

Khi tận dụng được nguồn năng lượng lạnh này, Cảng Đại Bằng có thể cung cấp được nguồn nước biển vô trùng ở nhiệt độ thấp liên tục, từ đó giúp cải thiện chất lượng thịt của các loại hải sản cao cấp và giúp Trung Quốc đảm bảo nguồn cung quanh năm.

Đại diện Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc chia sẻ, dự án này được thực hiện để nuôi các loại hải sản có giá trị cao, nhằm giảm sự phụ thuộc của quốc gia này vào nguồn cung nước ngoài. So với các phương pháp nuôi trồng thông thường, dự án sử dụng năng lượng lạnh từ LNG sẽ cho sản lượng lên tới 50 tấn hải sản đắt đỏ /năm, giúp giảm 30% chi phí.

Hạn chế nhập khẩu “siêu thực phẩm” cho nhà giàu, Trung Quốc làm dự án chưa từng có, sản lượng 50 tấn/năm- Ảnh 1.

Trung Quốc đã nuôi thành công một số loại hải sản cao cấp (trong đó có tôm hùm) trong dự án tận dụng năng lượng lạnh trong quá trình xử lý khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Ảnh: Chinadaily

Theo cơ quan này, loại hải sản cao cấp như tôm hùm trên thị trường Trung Quốc hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, dự án này được thực hiện với mục đích thay thế các sản phẩm hải sản nhập khẩu cao cấp.

Thực tế dự án sử dụng năng lượng lạnh từ LNG đã khởi động từ tháng 12/2022. Sau hơn 1 năm đưa lứa cá bột đầu tiên vào nuôi dưỡng, đến nay đã cho thu hoạch sau hơn 1 năm. Theo các chuyên gia, các phương pháp kỹ thuật tự động, chẳng hạn như thay đổi nhiệt độ, sục khí tập trung được áp dụng nhằm đa dạng hóa chủng loại về thủy hải sản, giảm chi phí, đồng thời tăng hiệu quả sản xuất.

"Cửa sáng" cho nhu cầu tiêu thụ tôm hùm của Trung Quốc

Hạn chế nhập khẩu “siêu thực phẩm” cho nhà giàu, Trung Quốc làm dự án chưa từng có, sản lượng 50 tấn/năm- Ảnh 3.

Trung Quốc giảm nhập khẩu tôm hùm. Thay vào đó, quốc gia này sử dụng năng lượng lạnh từ LNG để nuôi loại hải sản cao cấp này. Ảnh: SCMP

Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc cho biết, trong nuôi trồng thủy hải sản chất lượng cao, việc kiểm soát nhiệt độ là chiếm chi phí lớn nhất. Trong khi đó, dự án này lại đảm bảo được nguồn cung nước lạnh ổn định và áp dụng hệ thống tuần hoàn khoa học nhằm tránh gây ra ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên của biển. 

Phương pháp này được các chuyên gia đánh giá là xanh, ít phát thải carbon và mang tính tái tạo bền vững. Theo tính toán của các chuyên gia, việc sử dụng năng lượng lạnh từ LNG giúp Trung Quốc tiết kiệm được 1,97 triệu kWh điện mỗi năm và giảm phát thải tới 1.800 tấn CO2.

Hiện nay, Trung Quốc đang tiến hành đẩy mạnh an ninh lương thực trong bối cảnh căng thẳng về địa chính trị leo thang. Đáng chú ý, từ năm 2020, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm hùm từ Úc, khi quan hệ hai nước căng thẳng. Điều này đã tạo ra một khoảng trống thị trường khổng lồ cho những nhà cung cấp tôm thế giới. Bởi trước khi lệnh cấm có hiệu lực, hơn 50% lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc là đến từ Úc.

Theo dữ liệu từ Tổng cục thống kê Trung Quốc, mỗi năm, Trung Quốc chi tới hơn 900 triệu USD để nhập khẩu tôm hùm. Tuy nhiên, kể từ năm 2021, con số này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 600 triệu USD. Năm 2023, Trung Quốc chỉ chi 629 triệu USD để nhập khẩu tôm hùm, giảm tới 31% so với năm 2020.

Hiện nay, nhà cung cấp tôm hùm bông lớn nhất cho Trung Quốc là New Zealand, chiếm gần 40% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tiếp theo là Mexico, Mỹ, với thị phần lần lượt là 20% và 16%. Ngoài ra, có 3 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia cũng đang cố gắng chiếm thị phần tôm hùm tại đất nước tỷ dân. Trong đó, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã chi tới gần 29 triệu USD (gấp 27 lần so với cùng kỳ nắm 2023) để nhập khẩu tôm hùm xanh từ Việt Nam.

Cũng trong đầu năm 2024, Trung Quốc và Việt Nam đã ký 3 nghị định thư mở cửa xuất khẩu chính ngạch cho nhiều nông sản Việt Nam sang thị trường tỷ dân. Đáng chú ý là tạo cơ chế đặc biệt để các cơ sở Việt Nam có thể đăng ký xuất khẩu tôm hùm bông.

Bài viết tham khảo nguồn: SCMP, People's Daily, Customs

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại