“Chúng ta nên kêu gọi và chúng ta nên bắt tay làm việc để phát động một phong trào Intifada mới chống lại kẻ thù của người Do Thái”, Ismail Haniyeh, lãnh đạo nhóm Hamas (viết tắt của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo), nói trong một bài phát biểu Gaza.
Trong đó, phong trào Intifada lần thứ nhất bùng nổ vào cuối năm 1987, do người Palestine phát động chống lại sự đàn áp kéo dài của quân đội Israel. Đỉnh điểm của phong trào được đánh dấu bằng sự kiện Hội đồng Quốc gia Palestine (PNC) tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine độc lập, với Đông Jerusalem là thủ đô, tại phiên họp ở Algiers vào ngày 15/11/1988.
5 năm sau đó, cùng với Thỏa thuận Gaza-Jericho, xung đột Palestine và Israel tạm được xoa dịu với giải pháp 2 Nhà nước. Tuy nhiên, trong khi Palestine công nhận Israel, quốc gia đối thủ lại không chấp nhận điều đối ứng. Chưa kể, các cuộc đàm phán sau đó vẫn không giải quyết được vấn đề Jerusalem, khi cả hai nước đều tuyên bố thánh địa này là thủ đô.
Ông Haniyeh kêu gọi các quốc gia Ả Rập chấm dứt hợp tác với Mỹ, tuyên bố Tổng thống Trump sẽ phải hối tiếc vì quyết định của ông liên quan đến vị thế của Jerusalem.
Ông này nói thêm, Hamas không công nhận thành cổ này là thủ đô của Israel, nhấn mạnh “Jerusalem vẫn là thủ đô của cả Palestine”.
Trước đó, người phát ngôn của Hamas từng cảnh báo, quyết định của Trump “mở ra cánh cổng địa ngục”.
Phản ứng của Israel
Theo Sputnik, quân đội Israel đã triển khai lực lượng bổ sung cho Bờ Tây sau tuyên bố của Trump, và có thể đây là động thái đáp trả phát ngôn của Hamas.
“Khi kết thúc đánh giá tình hình tổng quát, Israel có quyết định rằng, một số tiểu đoàn sẽ được củng cố trong khu vực (Bờ Tây), nhằm chống lại tình báo và bảo vệ lãnh thổ”, trích tuyên bố của quân đội.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tự tin rằng, nhiều quốc gia cũng sẽ theo bước Mỹ trong việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Chuyện gì đã xảy ra?
Sau khi ngừng chiến, thành phố Jerusalem đều được Israel và Palestine tuyên bố là thủ đô của họ. Mặc dù vậy, cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, không công nhận bất cứ tuyên bố nào, và tất cả đại sứ quán nước ngoài đến Israel đều nằm ở Tel Aviv.
Năm 1995, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem, yêu cầu đại diện ngoại giao của nước này phải chuyển từ Tel Aviv đến Jerusalem.
Tuy nhiên, các đời chủ nhân Nhà Trắng từ Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama lựa chọn không thực hiện luật này bằng cách ký sắc lệnh miễn trừ cấp tổng thống vì lợi ích an ninh quốc gia.
Động thái hôm thứ 4 (6/12) của ông Trump bị các nhân vật chính trị nổi tiếng trên toàn thế giới lên án.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, phản đối quyết định của Trump vì Jerusalem phải được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp bởi 2 bên liên quan, Israel và Palestine.
Nhiều lãnh đạo trên thế giới cũng lên tiếng cảnh báo. Trong đó, Qatar bày tỏ quan ngại, việc tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel không khác gì “án tử hình” đối với tiến trình hòa bình trong khu vực.