Người dân Palestine rời bỏ nhà cửa ở Dải Gaza ngày 9/10, sau khi xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel leo thang. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đài RT, người phát ngôn của Lữ đoàn Al-Qassam tuyên bố trong một thông điệp phát trên kênh Al Jazeera: “Bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào thường dân mà không có cảnh báo sẽ bị đáp trả bằng một vụ hành quyết con tin dân thường đang bị chúng tôi giam giữ. Chúng tôi sẽ buộc phải phát sóng vụ hành quyết này. Chúng tôi lấy làm tiếc về quyết định này nhưng chúng tôi buộc Israel và lãnh đạo nước này phải chịu trách nhiệm về việc đó”.
Hamas đã bắt giữ một số binh sĩ và dân thường Israel từ ngày 7/10, khi các tay súng của lực lượng này xâm nhập vào các khu định cư của người Do Thái gần Gaza. Người phát ngôn của Hamas, Mousa Abu Marzouk, nói với kênh al-Ghad TV rằng nhóm này có trên 100 con tin, trong đó có cả các quan chức cấp cao của Israel. Một nhóm người Palestine khác là Islamic Jihad ngày 8/10 cũng tuyên bố họ giữ ít nhất 30 con tin.
Trong các cuộc không kích trước đây nhằm vào Gaza, Israel đã sử dụng kỹ thuật “gõ mái nhà”, tức là thả những thứ không phải chất nổ lên mái nhà dân thường để cảnh báo người dân trong các tòa nhà chung cư thoát ra ngoài trước khi tòa nhà bị đánh bom. Theo chính quyền địa phương, IDF đã bỏ qua bước đó vào ngày 9/10, tiến hành một loạt cuộc tấn công vào Gaza khiến ít nhất 560 người thiệt mạng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này đang có chiến tranh và cam kết sẽ trả đũa Hamas ở mức độ chưa từng có.
Người phát ngôn quân đội Daniel Hagari cho biết Israel đã sơ tán cư dân tại 15 trong số 24 cộng đồng giáp Dải Gaza. Dự kiến, lực lượng Israel sẽ hoàn tất công tác sơ tán trong 24 giờ tới. Cũng theo ông Hagari, quân đội đã huy động 300.000 quân nhân dự bị.
Trong một thông báo đăng trên mạng xã hội, Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng Israel tuyên bố đã chỉ thị lập tức cắt nguồn cấp nước cho Dải Gaza. Mỗi năm, vùng lãnh thổ này tiếp nhận khoảng 10% lượng nước của Israel. Quyết định trên được đưa ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant chỉ thị phong tỏa toàn bộ Gaza.
Người dân Gaza nhận cảnh báo rời đi nếu không muốn bị xóa sổ, nhưng họ không có nơi nào để đi.
Ngày 9/10, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết: “123.538 người đã phải rời bỏ nhà cửa ở Gaza, hầu hết do lo ngại xung đột và do nhà bị phá hủy”. Trên 73.000 người đang tạm trú tại các trường học được bố trí trở thành nơi trú khẩn cấp cho người dân.
Người phát ngôn của Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA), ông Adnan Abu Hasna, cảnh báo con số sẽ gia tăng hơn nữa. Theo quan chức này, UNRWA cung cấp đồ ăn, nước sạch, hỗ trợ tâm lý và thuốc men cho người trú tại các trường học nói trên.
Giới chức y tế tại Dải Gaza cho biết ít nhất 560 người Palestine đã thiệt mạng và 2.900 người bị thương kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10. Trong khi đó, phía Israel ghi nhận trên 700 người thiệt mạng và 1.200 người bị thương.
Trong khi đó, các nước đang nỗ lực làm trung gian cho thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Israel và Hamas. Ai Cập tập trung vào việc đảm bảo trả tự do cho các tù nhân là phụ nữ và trẻ em Palestine bị Israel giam giữ, để đổi lấy việc Hamas thả các con tin là các nữ binh sĩ Israel bị bắt giữ trong Chiến dịch Cơn lũ Al-Aqsa. Tuy nhiên, các nguồn tin nhấn mạnh rằng tình hình vẫn rất nhạy cảm và phức tạp, cũng như không chắc nỗ lực này sẽ thành công.
Qatar cũng đang nỗ lực làm trung gian để thúc đẩy thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa hai bên. Phong trào Hamas thông báo với Qatar rằng sẽ đồng ý với thỏa thuận trao đổi tù nhân nếu toàn bộ 36 nữ tù nhân người Palestine tại Israel được thả.
Chính phủ Israel cho biết hàng chục công dân nước này đang bị bắt làm con tin ở Gaza nhưng chưa xác nhận con số chính xác. Ngoài những người Israel bị bắt giữ, còn có một số công dân quốc gia khác cũng đã bị bắt làm con tin. Ngoại trưởng Mexico Alicia Barcena cho biết hai công dân Mexico có thể đã bị lực lượng Hamas bắt làm con tin. Theo chính quyền Brazil, ít nhất ba công dân nước này cũng đang mất tích.