Kéo theo đó, các công ty cung cấp dịch vụ trú ẩn có thể kiếm hàng triệu USD mỗi năm.
Biệt lập trên đảo
Ra khỏi con đường cao tốc quanh co dọc theo đảo Kauai (Hawaii), bạn sẽ bắt gặp một khu đất hơn 5,5 nghìn m2, bao quanh bởi bức tường cao 2m, có nhân viên an ninh canh gác thường xuyên.
Thi thoảng, những chiếc xe bán tải chở công nhân và vật liệu xây dựng ra vào. Dự án đặc biệt ấn tượng trên đảo Kauai thuộc về Mark Zuckerberg, tỉ phú kiêm Giám đốc điều hành Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram.
“Cha đẻ” của Facebook tiết lộ đang xây dựng một khu phức hợp khổng lồ, đặt tên là trang trại Ko’olau, với chi phí hơn 200 triệu USD, và có kế hoạch xây dựng hầm trú ẩn trong trang trại.
Theo tờ Wired, hầm có nguồn cung cấp năng lượng và thực phẩm riêng, dự kiến 30 phòng ngủ, nhiều thang máy, văn phòng, phòng hội nghị và những phòng tập thể cỡ lớn. Đây là khu phức hợp tự cung tự cấp, có bể chứa nước riêng và hệ thống bơm tự động. Xung quanh là khu vực chăn nuôi và nông nghiệp để cung cấp thực phẩm sạch.
Ngoài hầm trú ẩn, khu phức hợp có nhiều biệt thự lớn. Các biệt thự kết nối với nhau bằng cầu dây, dùng để di chuyển qua lại giữa các khu vực, với trạm dừng chân là 11 ngôi nhà trên cây. Mark Zuckerberg miêu tả, trong những dự án đầu tư của ông, đây là dự án “ngon lành” nhất.
Việc các tỉ phú đổ xô xây hầm trú ẩn, còn gọi là boongke, không phải mới mà đã trở thành ngành kinh doanh phổ biến trong thời gian gần đây. Khái niệm boongke đã có từ thời cổ đại.
Ông Bradley Garrett - nhà địa lý văn hóa làm việc tại bang California, Mỹ, cho biết các boongke được sử dụng để cất giữ những vật dụng quý giá khỏi “các phe phái hiếu chiến và bất ổn xã hội”.
Qua thời gian, khái niệm về hầm trú ẩn dần thành hình trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh căng thẳng, nhiều quốc gia đã đào sâu vào lòng đất, xây dựng những hầm trú ẩn tinh vi. Ví dụ, hầm trú ẩn Diefenbunker (Canada) nổi tiếng được sử dụng để bảo vệ giới tinh hoa chính trị.
Trong thời đại hỗn loạn, nhiều người giàu tại Mỹ âm thầm chuẩn bị kế hoạch B cho các tình huống xấu. Một trong những chiến lược phổ biến là mua những hầm trú ẩn kiên cố được thiết kế riêng.
Nhu cầu của giới nhà giàu Mỹ
Ông Ron Hubbard - Tổng Giám đốc Công ty xây dựng hầm trú ẩn Atlas Survival Shelters cho biết, nhu cầu gia tăng sau vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 7. Mọi người lo sợ nội chiến sắp xảy ra ở Mỹ.
Các hầm trú ẩn của Atlas thuộc dòng cao cấp với nhiều tính năng công nghệ cao như cửa sập chống đạn, cửa kín khí, ống dẫn khí chống hư hỏng và phòng khử khuẩn. Bên cạnh hệ thống an ninh tối tân, thiết kế nội thất sang trọng như mặt bàn bằng đá granit, đồ đạc làm bằng gỗ sồi. Đường hầm thoát hiểm là đặc điểm tiêu chuẩn trên các mẫu boongke lớn, có giá thành lên tới 200 nghìn USD.
Nỗi lo lắng ngày nay gợi lại những nỗi sợ hãi trong quá khứ như đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, mối lo lắng chủ yếu do vấn đề chính trị. Nhận thấy thế giới đang thay đổi, những người giàu có quan tâm hơn đến việc bảo đảm an toàn tính mạng cho bản thân và gia đình.
Ông Geoffrey Toledo - chuyên gia đầu tư bất động sản sống tại Tampa (Mỹ) đang để mắt đến một căn hộ trú ẩn trong khu tổ hợp Survival Condo. Đây là boongke sâu 15 tầng được tái thiết kế từ một hầm chứa tên lửa bỏ hoang ở Kansas. “Pháo đài” ngầm này có hồ bơi, quầy bar và dự trữ nguồn thực phẩm đủ dùng trong 5 năm.
Toledo cũng đang cân nhắc một căn hộ trú ẩn rộng 172 m2, có giá 2,4 triệu USD. Căn hộ được bảo vệ bởi lính canh có vũ trang và được bao quanh bởi khu vực rộng hơn 20 nghìn m2 có rào chắn trên mặt đất. Cư dân có thể dắt chó đi dạo mà vẫn đảm bảo an toàn.
Tương tự, Larry Hall - nhà đầu tư bất động sản 29 tuổi ở thành phố Arlington (Mỹ) đang cân nhắc mua một căn hộ rộng 88 m2 tại Survival Condo để làm nơi trú ẩn cho anh và bạn gái. Căn hộ có giá 1,3 triệu USD.
“Mọi người đều coi cuộc bầu cử là một loại khủng hoảng hiện sinh. Nếu người họ bỏ phiếu không thắng, họ sẽ rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Tôi đang tìm kiếm nơi nào đó có thể dễ dàng chuyển vào ngay”, Larry Hall nói.
Những nỗi lo lắng trong xã hội trước đây thường thúc đẩy doanh số bán mặt nạ phòng độc và radio nhưng nỗi sợ ngày nay thúc đẩy những phản ứng lớn hơn. Scott Bowman - đối tác của McDermott Will & Emery, công ty thường xuyên tư vấn cho các gia đình có giá trị tài sản ròng trên 500 triệu USD nhận định: “Những người giàu tại Mỹ chỉ tìm cách làm thế nào để bảo đảm an toàn nếu thảm họa xảy ra”.
Hồi đầu năm, công ty đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Thế giới đang ‘bốc cháy’: Quản lý tài sản di động trong môi trường toàn cầu phức tạp”. Các cuộc thảo luận xoay quanh cách chuyển tài sản khỏi Mỹ để đảm bảo khả năng tiếp cận trong trường hợp kinh tế sụp đổ.
Thiết kế sang trọng
Atlas Survival Shelters, đơn vị nhận xây dựng boongke riêng cho khách hàng, báo cáo doanh số tăng gấp 3 lần kể từ sau đại dịch Covid-19 và các cuộc biểu tình hỗn loạn năm 2020. Một luật sư sống tại Kentucky cho biết ông đang mua một hầm trú ẩn của Atlas với giá 250 nghìn USD bao gồm thi công và lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời.
Ông muốn bảo vệ vợ con trong trường hợp chiến tranh hạt nhân, khủng bố hoặc các thảm họa khác xảy ra. Boongke thép sẽ được chôn sâu khoảng 20m dưới lòng đất tại khu nhà của ông ở thung lũng Appalachian.
Cũng trong lĩnh vực boongke cho giới nhà giàu, Vivos Group, trụ sở tại California, phù hợp với những người thích trú ẩn ở ngay vùng ngoại ô. Họ đang cho thuê boongke ở Nam Dakota và Indiana. Ông Robert Vicino, Chủ tịch công ty, cho biết: “Nhu cầu đang đạt đỉnh điểm ngay lúc này. Nhu cầu tăng lên mỗi khi một vấn đề nào đó xảy ra”.
Vivos sở hữu khoảng 600 boongke bê tông, xây dựng trên các công trình cũ của chính phủ. Với kích thước 8x24m, mỗi boongke được cho thuê với phí ban đầu là 55 nghìn USD và tiền thuê hàng năm là hơn một nghìn USD.
Cư dân có thể cải tạo không gian theo ý thích như phòng lớn, phòng ngủ riêng, phòng vệ sinh, phòng tắm, phòng tập thể dục. Trang web của công ty quảng cáo: “Môi trường sinh tồn sang trọng và thoải mái đẳng cấp 5 sao”.
Ông Philippe Briggs, 56 tuổi, thám tử nghỉ hưu, đã thuê một boongke của Vivos ở Nam Dakota từ sau dịch Covid-19, cho vợ chồng ông và 4 người con. Hiện tại, Briggs sử dụng boongke làm nơi nghỉ dưỡng cho gia đình vào mùa Hè.
Một số đồng nghiệp đã nghỉ hưu của ông cũng mua căn hộ tại đây. “Chúng tôi cùng nhau đầu tư vào một nơi mà chúng tôi có thể đưa gia đình đến lánh nạn nếu có chuyện gì xấu xảy ra”, ông Briggs nói.
Khu phức hợp Vivos Indiana có sức chứa 80 người và được trang bị đầy đủ nội thất, đồ đạc. Nó được ví như một con tàu du lịch ngầm.
Lan rộng ra toàn cầu
Xu hướng trên cũng đang phát triển ở châu Âu. Các công ty cung cấp dịch vụ hầm trú ẩn có thể thu lời hàng triệu USD mỗi năm nhờ vào tệp khách hàng là giới siêu giàu. Đơn cử, dự án Oppidum ở thành phố Praha, Cộng hòa Czech.
Oppidum Bunkers, công ty phát triển boongke sang trọng có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết số lượng khách hàng đã gia tăng đều đặn trong vài tháng qua, nhóm người bị ảnh hưởng từ văn hóa đại chúng như phim về xác sống (zombie) thay vì các vấn đề chính trị.
Họ có thể lựa chọn nhiều thiết kế cho boongke từ sang trọng đến tối giản hoặc thiết kế theo ý thích của mình. Mỗi boongke có thể thiết kế thêm phòng tập thể dục, hồ bơi, thư viện, phòng trưng bày nghệ thuật.
Boongke có giá cả phải chăng sẽ rơi vào khoảng 7,5 triệu euro, rộng 290 m2, có 2 phòng ngủ, 3 phòng tắm, nằm sâu khoảng 6m dưới lòng đất. Mục tiêu của công ty là tạo ra một nơi “ẩn náu riêng” cho khách hàng.
Còn tại Đức, các công ty đang tích cực tân trang lại 600 boongke còn sót lại từ thời Chiến tranh Lạnh để chuẩn bị cho một cuộc xung đột địa chính trị rộng lớn hơn. Ông Rafael Loss, thành viên chính sách của Hội đồng Đối ngoại châu Âu, cho biết sự gia tăng nhu cầu về hầm trú ẩn khiến ông nhớ lại những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh. Trong đó, nhiều quốc gia ở châu Âu đã phản ứng với Chiến tranh Lạnh bằng cách xây dựng boongke.
Chỉ riêng tại Thụy Sĩ, có gần 9 triệu không gian trú ẩn trong khoảng 365 nghìn nơi trú ẩn công cộng và tư nhân từ những năm 1960. Với diện tích hơn 30 nghìn m2, nơi này ban đầu là một khu phức hợp quân sự được cải tạo thành nơi trú ngụ cho dân thường khỏi bụi phóng xạ. Vào năm 2015, doanh nhân Jakub Zamrazil đã mua lại và cải tạo nó thành hầm trú ẩn sang trọng với nhiều dịch vụ như rạp chiếu phim, bể bơi.
Tuy nhiên, ông Scott Hunt - cố vấn cho chương trình truyền hình thực tế “Doomsday Preppers” của tạp chí National Geographic, đã đặt câu hỏi về tính thực tế của các hầm trú ẩn do những thách thức về bảo trì dưới lòng đất.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng việc mua hầm trú ẩn cho thấy giới siêu giàu đang tìm cách thoát khỏi thế giới do chính họ tạo ra. Đó là thế giới nhiều hỗn loạn, nơi con người bị phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ.
Hành động này cũng tương tự với việc tỉ phú Elon Musk tìm đường vào không gian, tỉ phú Jeff Bezos nghiên cứu cách phát triển công nghệ trên quỹ đạo, hay Mark Zuckerberg phát triển thế giới ảo metaverse.