Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Ðảng và Bác Hồ, quân dân Thanh Hóa nói chung, quân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn nói riêng đã đoàn kết một lòng, dũng cảm, kiên cường giáng trả lại những đòn tấn công tàn bạo của đế quốc Mỹ. Trang sử Hàm Rồng chiến thắng vẫn được các thế hệ hôm nay viết tiếp trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội...
"Hàm Rồng quyết thắng"
Bị thất bại ở chiến trường miền Nam, cuối năm 1964, đầu năm 1965, đế quốc Mỹ vạch kế hoạch ném bom miền Bắc. Xác định từ Hà Nội vào đường mòn Hồ Chí Minh có 60 điểm tắc, trong đó Hàm Rồng được xem là "điểm tắc lý tưởng", là "đầu mút của khu vực cán xoong".
Phá sập cầu Hàm Rồng, Mỹ sẽ cắt đứt được mạch máu giao thông Bắc - Nam đồng thời phá hoại nền kinh tế Thanh Hóa, làm suy yếu vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến miền Nam.
Với âm mưu cắt đứt sự chi viện Bắc - Nam, cô lập Hàm Rồng và tập trung đánh dứt điểm Hàm Rồng, vào 8 giờ 45 phút ngày 3/4/1965, 16 chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ ném bom vào địa phận Thanh Hoá với một loạt địa điểm như cầu Đò Lèn (Hà Trung), cầu Cun (Nông Cống), ga Văn Trai (Tĩnh Gia)...
Nhưng chưa đầy 1 giờ sau, cụm hỏa lực phía Bắc cầu Hàm Rồng đã bắn rơi chiếc máy bay trinh sát khi còn cách cầu Tào Xuyên 3 km. Đây là chiếc may bay giặc Mỹ bị quân dân Hàm Rồng bắn rơi đầu tiên, mở đầu trang sử Hàm Rồng quyết thắng.
Lúc 13 giờ ngày 3/4, cuộc tấn công của đế quốc Mỹ vào khu vực Hàm Rồng bắt đầu. Từng tốp máy bay phản lực hiện đại đủ các loại F105, F8, RF101... lao vào đánh cầu Hàm Rồng liên tục trong 2 giờ 36 phút.
Ngay trong ngày đầu tiên, Mỹ đã huy động 102 lần tốp máy bay, 360 lần chiếc máy bay và mở 14 đợt tấn công nhưng vẫn không thực hiện được ý đồ “nuốt trôi cầu Hàm Rồng ngay”.
Sáng 4/4/1965, nhiều tốp máy bay địch tiếp tục tiến vào vùng trời Thanh Hóa từ nhiều hướng, giặc Mỹ thay nhau bổ nhào, dội bom vào khu vực Hàm Rồng.
Bằng nhiều phương án tác chiến, lực lượng phòng không Hàm Rồng - Nam Ngạn - Yên Vực đã sử dụng pháo cao xạ 57 ly của trung đoàn 234 chặn đánh vòng ngoài trên nhiều tầng, nhiều hướng, ở mọi độ cao... làm cho đội hình chiến đấu của máy bay giặc Mỹ rối loạn và không thể công kích mục tiêu như dự định của chúng.
Máy bay Mỹ vẫn không thể “đánh sập cầu Hàm Rồng trong chớp nhoáng” lại hứng chịu nhiều thương vong và buộc phải kết thúc trận đánh buổi sáng sớm hơn dự kiến.
Đến chiều 4/4, các tốp máy bay Mỹ tiếp tục đánh từ hướng Tây Nam với hy vọng lợi dụng ánh sáng mặt trời tấn công liên tục, nhưng quân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn - Yên Vực vẫn tỉnh táo, hiên ngang đáp trả bằng những đường đạn chính xác, những lưới lửa chăng dầy, nhiều tầng, nhiều hướng khiến giặc lái hoảng hồn, phải ném bom bừa bãi rồi tháo chạy. Đến 16 giờ, trận chiến kết thúc, quân dân Hàm Rồng đã chiến thắng vang dội.
Chiếc F-105 "Thần Sấm" bị máy bay MiG-17 của không quân Việt Nam bắn rơi trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa), ngày 4/4/1965. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát
Chỉ trong 2 ngày 3 - 4/4/1965, quân Mỹ đã sử dụng 174 lần tốp máy bay, 454 lần chiếc máy bay, ném xuống địa bàn tỉnh Thanh Hóa 627 quả bom phá, 58 quả bom nổ chậm (gồm các loại từ 500 đến 1.000 kg) cùng hàng trăm tên lửa, rốc-két vào các khu vực trọng điểm của Thanh Hóa. Riêng khu vực Rồng - Nam Ngạn - Yên Vực, đế quốc Mỹ đã bổ nhào 85 lần, cắt bom bắn phá 80 lần, ném 350 quả bom, bắn 149 quả đạn rốc-két.
Có thể khẳng định đây là lần đầu tiên kể từ khi mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, đế quốc Mỹ tổ chức một trận đánh với quy mô lớn nhất và mức độ ác liệt nhất đến vậy.
Sau 2 ngày chiến đấu kiên cường, Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng, khiến cho dư luận nước Mỹ xôn xao, bạn bè yêu chuộng công lý và hòa bình trên toàn thế giới khâm phục. Mỹ cay đắng thú nhận: “Đó là 2 ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ”.
Hàm Rồng đã trở thành biểu tượng của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, biểu tượng anh hùng của cuộc chiến tranh “đất đối không, không đối không với không lực Hoa Kỳ”.
Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ kéo dài 4 năm với hơn 1.000 ngày đêm xung trận. Trên mảnh đất Hàm Rồng lịch sử, mỗi ngọn núi, dòng sông, cánh đồng, nhà máy, mỗi xóm làng thân yêu đều là mục tiêu đánh phá của kẻ thù.
Tiếp đó, trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Mỹ (từ ngày 26/12/1971 đến ngày 15/1/1973), đế quốc Mỹ đã sử dụng những phương tiện chiến tranh hiện đại từ máy bay chiến lược B52, đến tên lửa Tà-lốc, bom xuyên, bom la-de... tập trung rải xuống Hàm Rồng.
Qua 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, riêng quân và dân Hàm Rồng, đã bắn rơi 117 máy bay, tiêu diệt, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ, bảo vệ cầu bảo đảm giao thông thông suốt, đẩy mạnh sản xuất góp phần xứng đáng cùng quân dân cả nước, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Phi công Mỹ bị quân và dân Thanh Hóa bắt sống tại Hàm Rồng năm 1966. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát
Từ trong khói lửa ác liệt của Hàm Rồng anh hùng, đã có nhiều tấm gương chiến đấu kiên cường, anh dũng, giữa lúc bom đạn địch đang dội xuống dày đặc, dân quân Yên Vực (Hoằng Long) vẫn chèo thuyền vượt sông Mã chở đạn dược cho bộ đội cao xạ;
Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển vượt đạn bom vác 98 kg đạn, nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể mình tiếp cho bộ đội; 6 nữ đồng chí trong tổ cứu thương của Nhà máy Điện Hàm Rồng luôn có mặt bên mâm pháo băng bó cho thương binh, tiếp đạn cho bộ đội; các cụ già Nam Ngạn vẫn nổi lửa nấu cơm, canh, cả nhà sư chùa Mật Đa cũng tiếp tế, cứu thương cho bộ đội...
Trong thành tích chung đó, quân và dân Hàm Rồng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý: 7 tập thể được phong tặng đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 2 Anh hùng Lao động cùng hàng trăm Bằng khen, Huân huy chương các loại...
Viết tiếp trang sử Hàm Rồng
Đến Hàm Rồng hôm nay, ai cũng nhận thấy một Hàm Rồng đang vươn lên phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm nhấn du lịch của tỉnh Thanh Hóa. Sự hồi sinh nhanh chóng ở đây không chỉ bởi sức người, còn bởi đất thiêng, đất lành - nơi ôm trọn cả hai nền văn hóa Núi Ðọ, Ðông Sơn. Hàm Rồng đang chuyển mình vươn lên cùng cả nước trong công cuộc đổi mới.
Hai bên bờ sông Mã, các khu công nghiệp, khu đô thị và khu dân cư mới đang hình thành. Những cây cầu mới đang mỗi ngày soi bóng trên dòng sông Mã anh hùng: cầu Hàm Rồng lịch sử, cầu Hoàng Long, cầu Nguyệt Viên hiện đại...
Các khu, điểm du lịch trên địa bàn phường Hàm Rồng như Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng, Quảng trường Hàm Rồng, Thiền viện Trúc Lâm, Ðền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ, Tượng đài thanh niên xung phong, Bia tưởng niệm các thầy giáo, cô giáo, các giáo sinh, y sinh hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ đắp đê ngày 14/6/1972, tour du lịch "Ngược xuôi sông Mã"... đang trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với bè bạn gần xa mỗi lần đến với xứ Thanh.
Cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN
Mới đây nhất, giữa tháng 3/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ thuộc vành đai xanh phía Tây Bắc thành phố Thanh Hoá. Trong đó khu vực quy hoạch Hàm Rồng - Núi Đọ sẽ là khu đô thị Công viên di sản, với quy mô, tầm vóc quốc gia, quốc tế hướng tới trở thành Di sản văn hóa thế giới được Unesco công nhận.
Là khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ và du lịch của thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa và vùng Bắc trung bộ, gồm: Quần thể di sản danh thắng, di tích lịch sử văn hóa khảo cổ cấp quốc gia; Khu du lịch lịch sử, văn hóa, khảo cổ - sinh thái của thành phố Thanh Hóa và của tỉnh Thanh Hóa gắn với tuyến du lịch dọc sông Mã (Sầm Sơn - Hàm Rồng - Thành nhà Hồ); các khu du lịch về cội nguồn, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái; Khu vui chơi giải trí chất lượng cao và Khu thể thao cao cấp...
Khu vực Hàm Rồng - núi Đọ được xác định là một phần không thể tách rời của Thành phố Thanh Hóa trong mục tiêu tìm sự liên kết phát triển kinh tế - xã hội với các dòng sông mà tỉnh Thanh Hóa và Thành phố Thanh Hóa đang hướng đến.
Phát huy tinh thần Hàm Rồng chiến thắng, trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt, những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hàm Rồng đã phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 5 năm qua, (giai đoạn 2015 - 2020), Đảng bộ phường đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế theo đúng định hướng của Thành phố, trong đó tập trung phát triển dịch vụ - thương mại là lợi thế của địa phương.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của phường Hàm Rồng giai đoạn 2016-2020 đạt 20,9%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 48 triệu đồng/người/năm, năm 2020 dự kiến đạt 55 triệu đồng/người/năm. Hàng năm trên 90% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng Lê Ngọc Linh khẳng định: Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chính quyền và nhân dân các cấp của tỉnh Thanh Hóa cũng như phường Hàm Rồng không tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm chiến thắng Hàm Rồng như mọi năm, nhưng Chiến thắng Hàm Rồng mãi mãi là bản anh hùng ca bất tử, là động lực tinh thần, là bài học lớn về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, nêu cao tinh thần sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường để Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Thành phố Thanh Hóa khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.
Chiến tranh đã lùi xa, cây cầu Hàm Rồng lịch sử vẫn hiên ngang soi bóng trên dòng sông Mã như một minh chứng cho bài học lịch sử: Khi một dân tộc đã đoàn kết, cùng chung một lý tưởng, cùng chung một chiến hào thì không có một sức mạnh nào có thể khuất phục được dân tộc đó.
Hàm Rồng hôm nay đang viết tiếp bài ca ngày mới với những dự án, những khu công nghiệp, những công trình kiến trúc mới đã và đang hiện hữu trên mảnh đất Hàm Rồng lịch sử, tạo cho Hàm Rồng một dáng dấp mới, dáng dấp của sự phát triển hiện đại, bền vững cho hôm qua, hôm nay và mai sau.