Câu chuyện thực tế của một cụ ông62 tuổi được chia sẻ trên diễn đàn Toutiao (MXH của Trung Quốc) đang nhận được sự quan tâm của mọi người.
Tôi là Cuixia, năm nay 62 tuổi. Vợ chồng tôi đều sống ở nông thôn, cả đời nuôi 2 con ăn học bằng nghề làm ruộng, chăn nuôi. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi sinh ra đã nghèo khó, không được học hành đến nơi đến chốn nên chỉ có thể lao động chân tay để kiếm sống qua ngày.
Tuy cơ cực nhưng vợ chồng tôi luôn cố gắng dành cho các con những điều tốt nhất. Cuối cùng, chúng tôi cũng lo cho con trai vào Đại học danh giá, sau tốt nghiệp đi làm và lấy một cô gái có gia cảnh khấm khá. Còn con gái tôi thì năm ngoái lấy chồng ở tỉnh khác, ít khi về thăm nhà do xa xôi.
Con cái của chúng tôi đã lớn khôn. Và tôi nghĩ 2 vợ chồng đã hoàn thành sứ mệnh lớn lao nhất của đời người, đã đến lúc để bản thân được nghỉ ngơi sau những năm tháng nhọc nhằn.
Nhưng bệnh tật ập đến khiến cơ thể tôi khó chịu. Tôi bị huyết áp cao, phải điều trị bằng thuốc thường xuyên. Còn vợ tôi bị đau vai, cổ, lưng - có thể do hồi trẻ, bà ấy phải vác hàng trăm bao xi măng mỗi ngày. Giờ vợ tôi không thể làm những việc nặng nhọc.
Chúng tôi đều không có lương hưu, chỉ có chút tiền tiết kiệm gửi lấy lãi ngân hàng được 280 NDT/tháng. Tôi và vợ định trồng rau đem ra chợ bán lấy tiền sinh hoạt, tránh làm phiền các con. Nhưng cuộc sống vất vả quá, chúng tôi thì đã già yếu, không còn cách nào khác, đành gọi điện cho con trai nhờ chu cấp số tiền 1000 NDT/tháng.
Vợ chồng ông Cuixia. (Ảnh minh họa)
Các con không đồng ý, ngỏ ý mời vợ chồng tôi lên sống cùng để tiện chăm sóc cháu nội và tiết kiệm sinh hoạt phí. Nghe hợp lý nên vợ chồng làm theo, trước để sống sum vầy bên con cháu, sau là để trông cậy khi già yếu.
Nhà con trai tôi rộng 90m2, có 3 phòng ngủ. Vợ chồng tôi ngủ tại 1 căn phòng có mặt quay về hướng Bắc. Vợ chồng con trai ở 1 phòng, các cháu ở 1 phòng. Nhà của con thoáng đãng, tiện nghi hơn so với ngôi nhà cũ ở quê. Đây là ngôi nhà do các con tự làm lụng, tích cóp để mua.
Cuộc sống bắt đầu xuất hiện bất tiện...
Hàng ngày, con trai và con dâu tôi đi làm từ sớm, phó mặc việc chăm cháu cho 2 vợ chồng tôi. Chúng tôi phải thức dậy sớm để vệ sinh thân thể cho cháu, nấu cháo cho ăn rồi trông nom bận bịu cả ngày. Khu bếp nấu ở thành phố rất nhỏ khiến tôi không quen. Nhiều khi nấu nướng xong nhìn đống hỗn độn như bãi chiến trường khiến 2 vợ chồng mệt phờ. Rồi chúng tôi lại hì hục lau chùi cả buổi, thấy rất ngột ngạt, tù túng.
Chúng tôi cũng phải nhìn mặt con dâu để lựa sống qua ngày. Vì là người nhà quê vụng về nên đôi khi con dâu tỏ vẻ không hài lòng với chúng tôi. Có lần, tôi bắt gặp con trai và con dâu vùng vằng cãi nhau trước cửa nhà, tâm trạng không được tốt.
Càng ở lâu tôi càng thấy cuộc sống thành thị náo nhiệt chẳng vui như những gì tôi từng nghĩ. Chẳng hạn như tiếng nước chảy trong nhà vệ sinh cũng khiến tôi mất ngủ. Hay căn phòng ngủ quá nhỏ, 2 vợ chồng nằm vừa đủ chiếc giường 1,3m khiến tôi ngủ không ngon. Rồi bữa sáng tôi chuẩn bị cũng khiến các con không thích. Con dâu tôi từng bảo: "Bố mẹ đừng luộc trứng để ăn sáng nữa, thú thực con không thể nuốt nổi".
Vợ chồng con trai cãi nhau liên miên khiến cụ ông buồn lòng. (Ảnh minh họa)
Một đêm, chúng tôi nghe được cuộc cãi vã ầm ĩ bên trong phòng ngủ của các con, mà nguồn cơn là do vợ chồng tôi. Càng nghe tôi càng khó chịu, ôm ngực trở về phòng, còn vợ tôi đã khóc cả đêm.
Tôi tự chất vấn bản thân: "Chúng tôi nhận được gì sau khi nuôi con không lớn?". Với con gái thì không trông cậy được vì con sớm đi lấy chồng, chẳng phải tuổi già chỉ có thể dựa vào con trai. Nhưng tôi không ngờ cuối cùng, tia hy vọng này cũng bị dập tắt. Không có lương hưu, vợ chồng tôi trở thành gánh nặng cho các con. Với một người con trai và con dâu như vậy, liệu tôi còn mong đợi được chu cấp tài chính sau khi mất hoàn toàn khả năng lao động?
Cuối cùng, vợ chồng tôi quyết định sáng hôm sau bắt xe về quê. Chúng tôi sẽ sống dựa vào số tiền ít ỏi tiết kiệm được, cùng với đó sẽ chăn nuôi để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Có lẽ quãng thời gian cuối đời khá vất vả nhưng tinh thần chúng tôi được thoải mái, an yên.