Biên đội tàu Trung Quốc, bao gồm khu trục hạm Changchun, tàu hộ vệ tên lửa Jingzhou và tàu tiếp tế Chaohu, đã tiến hành tập trận "dưới điều kiện tác chiến thực tế" - hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã thông báo hôm 25/8.
Nhóm tàu Trung Quốc đã luyện tập tấn công "tàu địch" và diễn tập tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt. Tham mưu trưởng biên đội, ông Trần Đức Nam nói với Tân Hoa Xã rằng các hoạt động tập trận được đặt ra trong những tình huống phức tạp, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân giải phóng nhân dân (PLA).
Nhóm tàu Trung Quốc trên đã thực hiện hành trình giao lưu qua châu Á, châu Âu, châu Phi... từ hôm 23/4, và tham gia tập trận chung với hải quân của 10 nước.
Cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương được Bắc Kinh thông báo không lâu sau khi hải quân Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản kết thúc cuộc tập trận thường niên Malabar, cũng trên đại dương này. Đồng thời, sự kiện diễn ra trong bối cảnh các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục bế tắc trong cuộc giằng co chưa có hồi kết ở cao nguyên Doklam/Donglang - vùng ngã ba biên giới giữa Trung, Ấn và Bhutan.
Động thái của PLA cũng được truyền thông Ấn Độ nhận định là hiếm thấy và bất thường.
Đáng chú ý, cùng ngày 25, tờ India Today dẫn lời quan chức giấu tên trong Bộ quốc phòng Ấn Độ tiết lộ, hải quân nước này sẽ hỗ trợ các nước Nam Á và Đông Nam Á thông qua tập trận chung trên biển.
Đặc biệt, hải quân Ấn Độ sẽ tăng cường trang thiết bị, đề nghị Nhật Bản giúp đỡ xây dựng hệ thống giám sát trên biển để củng cố khả năng kiểm soát ở Ấn Độ Dương.
Trung Quốc lo Ấn Độ phong tỏa đại dương
Bình luận về cuộc tập trận của biên đội Trung Quốc, chuyên gia quân sự Nghê Lạc Hùng nói đây là tín hiệu Bắc Kinh "quyết tâm hành động" nếu các tàu của mình bị phong tỏa khi lưu thông trên Ấn Độ Dương.
Trung Quốc phụ thuộc lớn vào nhiên liệu nhập khẩu, và hơn 80% lượng dầu nhập về phải đi qua Ấn Độ Dương hay eo biển Malacca. Nếu hải quân Ấn Độ phong tỏa vịnh Bengal hay Ấn Độ Dương, đó sẽ là đòn chí mạng đối với Bắc Kinh.
"Nếu chiến tranh toàn diện xảy ra, đại dương sẽ là chiến trường chủ chốt," ông Nghê nói. "Và Trung Quốc cần có cử chỉ cho thấy đã sẵn sàng cho xung đột."
Cuộc đối đầu giữa Trung-Ấn bắt đầu từ giữa tháng 6, khi các binh sĩ Ấn Độ tiến vào cao nguyên Doklam để ngăn cản quân đội Trung Quốc xây dựng một con đường tại đây.
Trong khi liên tục yêu cầu New Delhi rút quân vô điều kiện, quân đội Trung Quốc đã tổ chức một số cuộc tập trận quy mô và rầm rộ ở khu vực Tây Tạng, gần biên giới hai nước, và tăng cường hoạt động của hải quân trên Ấn Độ Dương với danh nghĩa chống cướp biển và tuần tra tự do hàng hải.
Về phía Ấn Độ, ngoài việc mua 22 máy bay không người lái Guardian của Mỹ để siết chặt việc giám sát trên biển, vào cuối năm nay Ấn Độ sẽ tổ chức tập trận hàng hải quy mô lớn với hơn 10 nước trong khu vực, với mục đích "chống lại sự hung hăng ngày càng gia tăng từ Trung Quốc" - theo India Today.