Tuy nhiên từ thời điểm đó đến nay hải quân Iran đã có thay đổi đáng kể, họ hiểu rõ rằng nếu đối đầu trực diện trên biển và trên không với hải quân Mỹ thì thất bại là điều khó tránh khỏi.
Hướng đi mới được Hải quân Iran đưa ra đó là đưa cuộc chiến xuống dưới mặt nước, bằng cách đóng thêm thật nhiều tàu ngầm tấn công các kích cỡ.
Theo thống kê tại thời điểm năm 2019, hải quân Iran có trong biên chế hạm đội tàu ngầm khá đông đảo với 21 chiếc, chưa kể nhiều xuồng bán ngầm phụ trợ.
Đáng kể nhất trong hạm đội tàu ngầm của hải quân Iran là 3 chiếc Kilo 877EKM do Nga chế tạo có khả năng phóng tên lửa hành trình chống hạm từ dưới nước.
Bên cạnh đó còn có 1 tàu ngầm diesel-điện Fateh 920 được Tehran tạo ra bằng cách sao chép thiết kế tàu ngầm tấn công mini Type 206 của hải quân Đức.
Tàu ngầm Fateh 920 được trang bị ngư lôi 533 mm YT-534-UW1 và tên lửa chống tàu hạng nhẹ Jask-2. Năng lực chiến đấu của chiếc chiến hạm này tương đối đáng gờm khi được sử dụng cho chiến thuật du kích.
Ngoài ra hải quân Iran còn có một tàu ngầm mini lớp Nahang có chiều dài 24 m được trang bị ngư lôi, nó còn có thể được sử dụng cho nhiệm vụ rải thủy lôi nhằm phong tỏa eo biển Hormuz.
Đông đảo nhất trong hạm đội tàu ngầm Iran là 16 chiếc Ghadir các phiên bản, đây được xem là một thiết kế sửa đổi từ tàu ngầm mini lớp Sang-O của Triều Tiên.
Mặc dù hải quân Iran tuyên bố tàu ngầm mini Ghadir của họ có khả năng mang ngư lôi hạng nặng và tên lửa chống hạm hạng nhẹ nhưng kích thước quá nhỏ của chúng khiến lời khẳng định trên bị xem là phi lý.
Như vậy sau khi điểm qua hạm đội tàu ngầm Iran thì có thể thấy rằng chỉ có 3 chiếc Kilo 877EKM cùng 1 chiếc Fateh 920 là sở hữu năng lực chiến đấu thực sự đáng ngại.
Phần lớn những tàu ngầm mini còn lại của hải quân Iran bị so sánh không khác gì những chiếc "thùng phuy biết lặn" khi quá nhỏ bé và trang bị vũ khí, khí tài ở mức đơn sơ.
Hạm đội tàu ngầm cỡ nhỏ nội địa của Iran chỉ có thể hoạt động gần bờ và tấn công ở cự ly gần, chúng khó lòng gây ra mối nguy cơ cho biên đội tàu sân bay hùng hậu của Mỹ.
Đi kèm tàu sân bay Mỹ bao giờ cũng có 1 hoặc 2 tàu ngầm nguyên tử dưới nước, chưa kể đến các khu trục hạm Arleigh Burke và tuần dương hạm Ticonderoga cũng có khả năng chống ngầm rất tốt.
Ngay cả tàu sân bay Mỹ cũng có thể tung các biên đội trực thăng săn ngầm MH-60R Seahawk tuần tra xung quanh để sớm phát hiện ra những mối đe dọa từ dưới nước.
Bởi vậy, rất khó để hải quân Iran có thể thách thức được Mỹ, bất chấp việc họ đã thay đổi trọng tâm chiến thuật đáng kể so với thời điểm năm 1988.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-ham-doi-tau-ngam-iran-lieu-co-tan-cong-noi-tau-my/811328.antd