Hạm đội săn tàu ngầm Mỹ tái xuất vì Nga và Trung Quốc?

Phạm Nghĩa |

Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và các đối thủ như Nga và Trung Quốc, 2 quốc gia sở hữu các tàu ngầm tiên tiến hơn, khiến hải quân Mỹ lo ngại.

Một tàu tuần duyên Mỹ tuần tra chống ma túy ở phía Đông Thái Bình Dương. Ảnh: Tuần duyên Mỹ

Một tàu tuần duyên Mỹ tuần tra chống ma túy ở phía Đông Thái Bình Dương. Ảnh: Tuần duyên Mỹ

Trang Business Insider ngày 8-12 cho biết lực lượng tuần duyên Mỹ đóng vai trò tích cực trong việc săn tìm tàu ​​ngầm trong các cuộc xung đột của thế kỷ XX. Tư lệnh Tuần duyên Mỹ, Đô đốc Karl Schultz, nói rằng họ chưa lên kế hoạch tiếp tục nhiệm vụ săn ngầm nhưng không loại trừ khả năng duy trì nó trong tương lai.

Hải quân Mỹ đang chú ý tới mối đe dọa ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc, đặc biệt là hạm đội tàu ngầm ngày càng lớn và hiệu quả của 2 quốc gia này.

Trả lời câu hỏi tại một sự kiện của Liên đoàn Hải quân ngày 1-12 về chiến tranh chống ngầm, Tư lệnh Schultz đáp:

"Mọi người phải quay ngược thời gian về thời điểm mà tuần duyên Mỹ được trang bị đầy đủ để tiến hành nhiệm vụ đó.

Chúng tôi có tàu chiến lớp Hamilton, khả năng phát hiện tàu ngầm, hệ thống định vị vật dưới nước bằng âm thanh hoặc siêu âm. Còn ngày nay, chúng tôi không có những thứ đó mà chúng được chuyển lại cho lực lượng hải quân".

Theo Tư lệnh Schultz, tuần duyên Mỹ phải đối mặt với những yêu cầu chưa từng có - đề cập 11 nhiệm vụ chính thức của lực lượng này - từ tuần tra các tuyến đường thủy nội địa đến buôn bán ma túy trên biển. Tuy nhiên, ông không loại trừ việc tuần duyên Mỹ sẽ giúp chống lại các mối đe dọa dưới nước trong tương lai.

"Tôi không chắc mình sẽ quay trở lại sứ mệnh đó ngay lập tức nhưng một lần nữa, tôi không phủ nhận bất cứ điều gì vì chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng phức tạp và các yêu cầu luôn thay đổi – Tư lệnh Schultz nói thêm.

Tuần duyên Mỹ làm nhiệm vụ dẫn đường cho hàng trăm tàu ​​đi qua vùng nước nhiều tàu ​​ngầm vào Thế chiến thứ nhất.

Trong Thế chiến thứ hai, máy bay và tàu của lực lượng này do tàu chiến lớp Treasury dẫn đầu, săn tàu ngầm tại các bờ biển phía Đông và phía Tây nước Mỹ cũng như hộ tống các đoàn tàu đi qua Đại Tây Dương.

Sau khi tàu chiến lớp Treasury được thay thế bằng tàu chiến lớp Hamilton, 12 chiếc trong số đó được triển khai cho các nhiệm vụ khoa học, thực thi pháp luật, tìm kiếm, theo dõi và tiêu diệt tàu ngầm. Chiếc Hamilton đầu tiên xuất hiện vào năm 1965 và hiện chỉ còn 2 chiếc trong biên chế của quân đội Mỹ.

Cuối những năm 1980, những chiếc Hamilton được trang bị cảm biến và vũ khí tốt hơn, bao gồm ngư lôi nâng cấp, tên lửa chống hạm Harpoon mới và trực thăng.

Nhưng chiến tranh lạnh kết thúc làm giảm bớt lo ngại về chiến tranh trên biển, khiến những thiết bị cảm biến và vũ khí trên Hamilton bị loại bỏ.

Bây giờ, điều đó đang thay đổi và quân đội Mỹ phải đối phó với "mối đe dọa" tàu ngầm ngày càng tăng.

Thông báo của Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite trong tháng này đã nhấn mạnh sự thay đổi đó. Thông báo cho biết Bộ Tư lệnh Hạm đội Mỹ đặt trụ sở tại bang Virginia sẽ trở thành Bộ Tư lệnh Đại Tây Dương của Mỹ.

"Chúng tôi sẽ tái tập trung lực lượng hải quân của mình tại khu vực quan trọng này dựa trên sứ mệnh ban đầu là kiểm soát các phương thức tiếp cận hàng hải đối với Mỹ và các đồng minh. Hạm đội Đại Tây Dương sẽ đối đầu với hải quân Nga, lực lượng đang triển khai ngày càng gần Bờ Đông của chúng tôi" – Bộ trưởng Braithwaite tuyên bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại