Hạm đội NATO “hộ tống” tàu sân bay Nga
Tàu chiến của Nga không cần đến “dịch vụ hộ tống vô nghĩa”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov tuyên bố vào ngày 26/1, khi bình luận về việc các tàu chiến của NATO đang bám sát biên đội tàu sân bay Nga vì sợ chúng “gây nguy hiểm”.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon đã đưa ra những lời thiếu tôn trọng về chuyến di chuyển ngang qua bờ biển Vương quốc Anh của tàu sân bay Nga "Đô đốc Kuznetsov" trong sự giám sát của cả một hạm đội NATO, ở khu vực eo biển Manche.
Điểm đặc biệt là nhà lãnh đạo Bộ quốc phòng Anh đã có những lời lẽ không xứng với chức vụ của ông ta khi gọi đó là một "chiếc tàu ô nhục, chỉ làm dài thêm nỗi khổ của người dân Syria” và nói thêm là, Hải quân Anh hộ tống chiến hạm này để đảm bảo an ninh cho đất nước của họ.
Bộ quốc phòng Nga cho biết, mục đích của những lời tuyên bố trên và “Show diễn hộ tống” đối với biên đội tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" là để đánh lạc hướng sự chú ý của những người đóng thuế Anh khỏi “tình trạng yếu ớt của Hải quân Hoàng gia Anh Quốc”.
Tướng Konashenkov cho biết, tàu chiến Nga không cần đến dịch vụ hộ tống vô nghĩa, họ thông thạo phương hướng và luồng biển. Đồng thời, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga bổ sung là “ngài Fallon nên dành sự chú ý nhiều hơn cho thực trạng của Hải quân Anh”.
Được biết, giới truyền thông Anh ngày 26/1 đưa tin rằng, cả một hạm đội NATO đang theo dõi biên đội tàu sân bay thuộc Hạm đội Biển Bắc Nga, vừa đi vào eo biển Manche. Trên đường trở về căn cứ chính ở cảng Severomorsk, các tàu Nga đã có vinh dự được 6 tàu NATO hộ tống.
Theo đó, có không dưới 6 tàu NATO được chỉ đích danh như tàu khu trục Thánh Albans (HMS St Albans-Anh), Bartolomeu Dias (Bồ Đào Nha), tàu tuần tra Groningen (Hà Lan), tàu khu trục Roald Amundsen (Na Uy), tàu tấn công đổ bộ Ocean (Anh) và tàu hỗ trợ Spessart (Đức).
Ngoài ra, còn có một số tàu khác ở xa hơn nên không nhìn rõ số hiệu và một phi đội chiến đấu cơ Typhoon của Anh. Như vậy, số lượng tàu và máy bay chiến đấu NATO tham gia “hộ tống” còn đông hơn nhiều so với nhóm tàu sân bay của Hạm đội Biển Bắc/Nga.
Tàu khu trục HMS St Albans và hai chiến đấu cơ Typhoon (phía ngoài) "hộ tống" tuần dương hạm "Peter Đại đế" và tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" của Nga.
Báo Anh: Tốn tiền vô ích
Theo Bộ quốc phòng Nga, vào ngày 6 tháng 1 năm 2017, cụm tàu sân bay của Hạm đội Biển Bắc dẫn đầu là tàu sân bay “Đô đốc Kuznetsov” với hơn 40 máy bay tham gia tiêu diệt các nhóm khủng bố quốc tế, đã lên đường trở về căn cứ đóng quân tại Severomorsk.
Biên đội 8 tàu hộ tống bao gồm tuần dương hạm hạt nhân lớn nhất thế giới là “Peter Đại đế” và 2 tàu khu trục chống ngầm hạng nặng Severomorsk và “Phó Đô đốc Kulakov” cùng một số tàu kéo, tàu bổ trợ hậu cần viễn dương, thuộc biên chế Hạm đội Biển Bắc.
Dự kiến, nhóm tàu hải quân Nga sẽ về đến căn cứ chính của chúng ở Severomorsk (vùng Murmansk, Nga), sau khoảng hai tuần hành trình từ Đại Trung Hải ra Đại Tây Dương và lên Biển Bắc.
Giới truyền thông Anh đã lớn tiếng chế nhạo sự hoảng hốt của NATO khi biên đội tàu sân bay Nga đi qua eo biển nối Anh và Pháp. Sự huy động lực lượng “khủng” đã khiến các nước NATO tốn không ít tiền vào các hoạt động vô bổ.
Theo phản ánh của báo Anh The News, chiến dịch “hộ tống” các tàu chiến của Nga đi qua dọc theo bờ biển Vương quốc Anh, khi biên đội tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" hành quân tới Syria (cuối tháng 10/2016) đã khiến Anh tiêu tốn gần 1,4 triệu bảng.
Hành trình của tàu sân bay Nga trong đoạn đường biển này có các tàu Anh kèm sát theo dõi, đó là các khu trục hạm "Duncan" và tàu hộ vệ "Richmond". Ngoài ra, còn có vài chiến hạm khác của NATO và máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon của Anh.
Các nhà báo The News đã sử dụng điều luật về tự do truy cập thông tin và yêu cầu cơ quan chức năng cho biết dữ liệu về kinh phí của hoạt động theo dõi. Chỉ tính riêng kinh phí của 2 chiếc tàu Anh để giám sát tàu Nga là 1,394 triệu bảng (1,8 triệu USD), bao gồm cả lương nhân viên và chi phí nhiên liệu.
Ngoài ra, nếu tính cả tổng chi phí của 4 tàu chiến NATO khác và máy bay chiến đấu thì con số này còn tăng lên tới 2 triệu bảng, mà quy mô của đợt “hộ tống” tháng 10/2016 chỉ bằng nửa đợt “bảo vệ” lần này.