Vào ngày 28/8/1941, quân Đức chiếm đóng Tallinn, Thủ đô Estonia thuộc Liên Xô. Hạm đội Baltic đã sơ tán quân và người dân tiến về Leningrad. Chiến dịch đã kết thúc với hơn 50 tàu thiệt hại và 10.000 binh lính, thủy thủ và dân thường Liên Xô thiệt mạng.
Cái bẫy
Tallinn trở thành căn cứ chính của Hạm đội Baltic ngay sau khi các nước Baltic trở thành một phần của Liên Xô vào năm 1940. Thành phố đã chuẩn bị tốt để đẩy lùi các cuộc tấn công từ biển và trên không.
Tuy nhiên mắt xích yếu nhất của thành phố lại là phòng thủ trên đất liền vì không ai có thể tưởng tượng rằng kẻ thù có thể đi qua Litva và Latvia để đến Thủ đô Estonia vây hãm.
Tuy nhiên, đó chính xác là điều đã xảy ra. Ngay từ đầu tháng 7, lực lượng Quân đoàn phương Bắc của Hitler đã tiến vào lãnh thổ Estonia, và vào ngày 7/8, đã đến bờ biển Vịnh Phần Lan, qua đó cắt đứt tuyến đường bộ của thành phố với lực lượng Hồng quân.
Ngay cả khi rơi vào tình huống này, bộ chỉ huy Liên Xô cũng không ra lệnh sơ tán Tallinn ngay lập tức mà có ý định bảo vệ người dân đến giờ phút cuối cùng.
Mặc dù vậy, lực lượng phòng thủ của thành phố rất nhỏ, chỉ bao gồm các đơn vị của Quân đoàn Súng trường 10, thủy thủ, thành viên của Bộ Dân ủy Nội vụ NKVD và tự vệ địa phương.
Vào ngày 25/8, tình hình trở nên nguy cấp khi quân đội Liên Xô bị đẩy lùi về tuyến phòng thủ chính ở khu vực gần Tallinn, và pháo binh Đức có thể tiếp cận toàn bộ thành phố và cảng bằng đạn pháo.
Tuy nhiên, một lợi thế là các tàu của Hạm đội Baltic giờ đây cũng có thể tấn công kẻ thù. Sự hỗ trợ hỏa lực này rất hữu ích để tiến hành hoạt động di tản. Hạm đội Baltic được chỉ huy bởi Phó Đô đốc Vladimir Tributs không thể chống đỡ và bắt đầu tiến hành rút lui.
Sơ tán
Đoàn tàu của Liên Xô như bia tập bắn cho máy bay Đức.
Quá trình sơ tán lên tàu kéo dài suốt cả ngày lẫn đêm, sau đó diễn ra trong bầu không khí hỗn loạn và không theo bất kỳ quy tắc nào. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi giao tranh đã diễn ra trên đường phố.
Các con tàu quá tải và không có đủ chỗ trên tàu cho nhiều binh lính, thủy thủ. Khí tài quân sự buộc phải ném xuống biển hoặc cho nổ tung. Nhiều đơn vị Hồng quân đánh địch trên đường thành phố cũng không thể lên tàu. Khi quân Đức chiếm đóng Tallinn, khoảng 11.000 lính Liên Xô đã bị bắt.
Vào ngày 28/8, 225 tàu chiến của Hạm đội Baltic đi thành bốn đoàn, rời Tallinn và hướng đến căn cứ hải quân Kronstadt trên đảo Kotlin gần Leningrad. Theo các ước tính khác nhau, họ có từ 20.000 đến 41.000 người trên các tàu, bao gồm quân nhân của Quân đoàn 10, dân thường và lãnh đạo của Estonia.
Thảm khốc
Các chỉ huy Hạm đội Baltic biết rằng kể từ tháng 7, người Đức và người Phần Lan đã kiểm soát chặt chẽ Vịnh Phần Lan, nhưng họ đã không có động thái nào để thay đổi tình hình. Cuối cùng, những bãi mìn mà tàu Liên Xô đi qua đã trở thành nguyên nhân chính của thảm kịch.
Các đoàn tàu di chuyển cực kỳ chậm chạp do phải đợi các tàu quét mìn, có nhiệm vụ dò tìm và phá thủy lôi.
Như một kịch bản, các tàu Liên Xô khi bị pháo bờ biển của đối phương tấn công hoặc bị gây áp lực bởi các tàu phóng lôi của Phần Lan (tàu của Đức không tham gia giao tranh), sẽ đi chệch khỏi đường đi an toàn đã được rà phá thủy lôi, khiến tàu trúng mìn và chìm chỉ trong vài phút.
Hàng loạt tàu di chuyển chậm chạp đã trở thành mục tiêu lý tưởng cho các máy bay của không quân Đức như thể bia tập bắn. Ngay cả khi các phi công Đức không đánh chìm được con tàu thì con tàu bị hư hại thường đi chệch hướng và trúng mìn rồi lại chìm xuống.
Không có không quân Liên Xô yểm trợ trên bầu trời. Cuộc di tản muộn màng được thực hiện khi tất cả các đường băng gần Tallinn đã mất vào tay kẻ thù từ lâu. Máy bay chiến đấu chỉ có thể yểm trợ cho các đoàn tàu ở giai đoạn cuối của chuyến hành trình.
Khi đó, các thủy thủ đã nói đùa một cách cay đắng: "Chúng tôi đã thực hiện hành trình từ Tallinn đến Kronstadt dưới sự che chở của máy bay ném bom bổ nhào của Đức".
Bộ chỉ huy hạm đội mất quyền kiểm soát hoạt động gần như nga y lập tức sau khi rời Tallinn. Các con tàu tự hành động và tiếp tục chìm hàng loạt vì thủy lôi. Số ít tàu quét mìn, vốn phải hoạt động vào ban đêm cũng thường trúng mìn và chịu số phận tương tự.
Toàn bộ tàu hộ vệ phía sau (năm tàu trong số sáu tàu), do không có tàu quét mìn nào kèm theo, gần như bị phá hủy hoàn toàn.
Tổn thất là rất lớn. Trong số 1.280 người trên tàu vận tải Alev bị chìm thì chỉ có sáu người sống sót. Thậm chí những binh sĩ còn tự vẫn bằng súng trước khi chết ở dưới nước.
Mặc dù phải chống chọi trước làn đạn đến từ các cuộc tấn công liên tục của máy bay Đức, các thủy thủ Liên Xô vẫn cố gắng giải cứu được hơn 9.000 người khỏi mặt nước. Giờ phút khó khăn chỉ đi qua khi đoàn tàu tiến đến gần Kronstadt, khi không quân Liên Xô xuất hiện trên bầu trời thì Hạm đội Baltic mới cảm thấy tương đối an toàn.
Tổn thất to lớn
Trong ba ngày kết thúc chuyến vượt biển từ Tallinn, Hạm đội Baltic đã mất từ 50 đến 62 tàu, bao gồm tàu khu trục, tàu ngầm, tàu quét mìn, tàu tuần tra, tàu tuần duyên và tàu phóng lôi.
Tuy nhiên, hầu hết các tàu bị chìm (trên 40 chiếc) là tàu vận tải và phụ trợ. Về phần mình, quân Đức mất 10 máy bay.
Chiến dịch đã dẫn đến cái chết của từ 11.000 đến 15.000 người. Ngoài dân thường, họ bao gồm nhiều binh sĩ của Quân đoàn Súng trường 10 và các thủy thủ, những người có kinh nghiệm chiến đấu vô giá cho Estonia.
Mặc dù bị tổn thất nặng nề, Hạm đội Baltic vẫn gắng gượng để sẵn sàng chiến đấu. Trải qua thử thách khủng khiếp này, lực lượng không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi.
Chỉ một tuần sau, cuộc giao tranh ác liệt tại Leningrad bắt đầu, trong đó hạm đội đã rửa hận thành công khi đóng một vai trò quan trọng cho cuộc chiến.