Hai xe tăng Nga cứu hộ vận tải cơ khổng lồ An-124 ra sao?

Anh Minh |

Chiếc máy bay nặng đến nỗi người Nga đã phải ghép một cặp xe tăng với nhau để di chuyển nó. Máy bay vận tải An-124 Ruslan (NATO định danh là Condor) đã bị tai nạn hồi đầu tháng tại Novosibirsk, Nga.

Hai xe bọc thép BREM-1 chuyên thu hồi xe tăng đã kéo chiếc máy bay ra khỏi nơi gặp nạn

Hai xe bọc thép BREM-1 chuyên thu hồi xe tăng đã kéo chiếc máy bay ra khỏi nơi gặp nạn

Theo Popular Mechanics, hai xe bọc thép BREM-1 chuyên thu hồi xe tăng đã kéo chiếc máy bay ra khỏi nơi gặp nạn.

BREM-1, mặc dù được chế tạo để cứu hộ xe tăng, nhưng cũng được chính quyền Nga sử dụng để xử lý các trường hợp khẩn cấp ở sân bay.

Antonov An-124 Ruslan là loại máy bay lớn nhất từng được sản xuất hàng loạt (trước chiếc Airbus A380), cho tới khi máy bay An-225 Mriya xuất hiện, đây từng là chiếc máy bay lớn nhất được chế tạo. Trong thời kỳ phát triển nó được gọi là An-400 và An-40 ở phương Tây, và nó cất cánh lần đầu năm 1982. Hơn 40 chiếc hiện đang hoạt động tại Nga, Ukraina, UAE và Libya.

Về hình dáng, An-124 tương tự loại C-5 Galaxy của quân đội Mỹ nhưng lớn hơn. An-124 từng được dùng chuyên chở đầu máy xe lửa, thuyền buồm, thân máy bay, và nhiều loại hàng hoá quá cỡ khác. Đầu An-124 có thể hạ thấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc chất hàng. An-124 phiên bản quân sự có thể chở 150 tấn hàng hoá: nó cũng có thể chở 88 người trong một khoang phía trên sau buồng lái. Tuy nhiên, vì khả năng điều áp hạn chế trong thân, nó hiếm khi chở lính dù.

Trở lại vụ tai nạn: cặp xe phục hồi bọc thép BREM-1 đã được điều động cứu hộ máy bay An-124, sau khi nó gặp sự cố nghiêm trọng vào tháng trước trong khi cất cánh.

Hoạt động khôi phục được cho là đã diễn ra vào ngày 27/11 tại Sân bay Novosibirsk-Tolmachevo. Vào ngày 13/11, chiếc vận tải cơ An-124 bị mất một động cơ trong khi cất cánh, khiến nó trượt khỏi phần cuối đường băng.

Theo Mạng lưới An toàn Hàng không (ASN), khi chiếc máy bay khổng lồ dài 69m cất cánh từ Novosibirsk-Tolmachevo, một trong bốn động cơ phản lực cánh quạt Lotarev Progress DT-18 của nó đã “gặp sự cố không thể khắc phục được”.

Máy bay đột ngột mất toàn bộ nguồn điện, liên lạc vô tuyến và khả năng phanh. Tổ bay đã quay đầu máy bay để hạ cánh, nhưng máy bay đã bị rơi trong khi cố gắng hạ cánh, nằm cách điểm cuối đường băng 300 m. Điều kỳ diệu là không có ai trong tổ bay bị thương trong vụ việc.

Trong nỗ lực phục hồi, những chiếc BREM-1 đã được kết nối với nhau để cùng kéo chiếc máy bay nặng 180 tấn rỗng. Xe thu hồi BREM-1 được thiết kế vào những năm 1970 để vận chuyển xe tăng bị hỏng khỏi chiến trường.

Dựa trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, BREM-1 được trang bị động cơ diesel V-46 và có thể kéo 120 tấn, đó là lý do tại sao cần hai chiếc để kéo An-124.

Sân bay Domodedovo của Moscow vận hành một chiếc BREM-1, nhưng nó được sơn màu cam sáng và đen để xác định đây là phương tiện cấp cứu. Các phương tiện tại Novosibirsk có màu xanh đậm tiêu chuẩn của quân đội Nga, cho thấy chúng đến từ một căn cứ quân sự gần đó.

Bởi chiếc máy bay này ban đầu chỉ được thiết kế để hoạt động không thường xuyên trong quân đội, những chiếc An-124 đầu tiên được chế tạo với tuổi thọ 7.500 giờ bay và có thể kéo dài thêm. Tuy nhiên, nhiều chiếc đã hoạt động hơn 15.000 giờ bay.

Để giải quyết những phàn nàn từ phía các khách hàng thương mại, những chiếc máy bay chế tạo sau năm 2000 (An-124-100) được sửa đổi để có tuổi thọ lên tới 24.000 giờ bay, những chiếc sản xuất trước đó cũng đang được nâng cấp lên tiêu chuẩn này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại