Tổng thống Nga Vladimir Putin , 71 tuổi, tiếp tục lãnh đạo nước Nga trong một khoảng thời gian dài, ít nhất là hết nhiệm kỳ năm (2024-2030). Theo Hiến pháp Liên bang Nga, ông có quyền tái tranh cử, có thể cầm quyền đến năm 2036 (lúc đó ông 83 tuổi). Nhiều người Nga hy vọng và tin tưởng ông sẽ giải quyết được những khó khăn, thách thức mà nước Nga đang phải đối mặt, giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Ukraine dù Kiev tiếp tục được phương Tây ủng hộ, viện trợ.
Giao tranh kéo dài, leo thang
Một điều rõ ràng là cuộc xung đột ở Ukraine sẽ tiếp tục và Nga sẽ không nhượng bộ khi đàm phán hòa bình. Ngày 18/3, Tổng thống Putin ra tín hiệu rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ tiếp diễn là một điểm quan trọng trong chương trình nghị sự của chính phủ; ông kêu gọi đoàn kết trong việc đưa người dân miền đông Ukraine “trở về gia đình quê hương của họ”.
“Chúng ta sẽ cùng nhau bước tiếp”, ông Putin nói với hàng ngàn người ủng hộ tập trung ở Quảng trường Đỏ tại thủ đô Mátxcơva. Ông thông báo về tuyến đường sắt đã được khôi phục mà ông cho rằng sẽ sớm kết nối với bán đảo Crimea. “Và đây chính xác là điều thực sự khiến chúng ta mạnh mẽ hơn, không phải lời nói mà là hành động”, ông nói.
Trước dịp bầu cử, trong Thông điệp liên bang trình bày trước Quốc hội ngày 29/2, Tổng thống Putin đã thể hiện một giọng điệu tự tin rằng mọi thứ đã chuyển biến ở Ukraine và Nga hiện có lợi thế chiến lược. Ông tin rằng Nga sẽ chiến thắng, một phần vì phương Tây dao động, thậm chí “quay xe” trong việc viện trợ Ukraine.
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có thể ảnh hưởng rất nhiều đến việc viện trợ Ukraine cũng như tương lai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO ). Đáp lại ý tưởng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc đưa quân NATO tới Ukraine, ông Putin cảnh báo điều này có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Tổng thống Putin đã cảnh báo leo thang hạt nhân 11 lần kể từ khi tuyên bố thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Theo RAND, việc đe dọa hạt nhân của Nga phải được xem xét một cách nghiêm túc, nhưng nó cũng có thể là một chiến dịch tâm lý nhằm nhắc nhở mọi người rằng Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và do đó phải được tôn trọng như một siêu cường thế giới. Việc đó cũng nhắc nhở châu Âu rằng họ phụ thuộc vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ, nếu không có chiếc ô này thì họ rất dễ bị tổn thương.
Bảo vệ chủ quyền văn hóa
Theo RAND, tầm nhìn của Tổng thống Putin còn xa hơn nữa - một làn sóng văn hóa toàn cầu; Nga đang bảo vệ không chỉ lãnh thổ Nga mà cả chủ quyền văn hóa quan trọng của nước này. Theo tầm nhìn của ông, Nga không chỉ bảo vệ chính mình mà còn bảo vệ các giá trị truyền thống chống lại những tham vọng đế quốc của một phương Tây suy đồi. Trong làn sóng này, Nga có thể trông cậy vào các đồng minh ở Nam bán cầu và nhiều đồng minh ở chính phương Tây.
Một phần của việc này là sự tái khẳng định các liên minh trong Chiến tranh Lạnh; đồng thời phản ánh sự tái tổ chức kinh tế đã xảy ra kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và bị phương Tây áp đặt tổng cộng 13 đợt trừng phạt. Ngày 18/3, các ngoại trưởng thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp để bàn về gói trừng phạt thứ 14, gồm nhiều biện pháp phòng chống Nga lách lệnh trừng phạt.
Một nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của Nga gần đây nói về việc “củng cố toàn bộ xã hội Nga xung quanh nhu cầu quốc phòng của mình”. Ý nghĩa chính xác của cụm từ này không hoàn toàn rõ ràng, nhưng nó cho thấy giới lãnh đạo Nga muốn chuẩn bị cho sự leo thang của cuộc xung đột ở Ukraine. Người ta cũng hiểu rằng cuộc xung đột mà Tổng thống Putin mô tả sẽ còn kéo dài nên phải huy động nguồn lực, sản xuất nhiều vũ khí hơn, công nghệ quân sự tiên tiến và trên hết người dân Nga cần cống hiến hết mình cho nỗ lực này.
Nói cách khác, xã hội Nga cần được tổ chức cho xung đột kéo dài. Như Tổng thống Putin đã nói trong thông báo bầu cử của mình: “Sự vị tha và lòng dũng cảm mà các chiến binh của chúng ta thể hiện là tấm gương để công nhân và kỹ sư tại các doanh nghiệp quốc phòng của chúng ta, những người thuộc nhiều thành phần kinh tế khác cũng như tất cả công dân của chúng ta noi theo, những người đang góp phần củng cố chủ quyền kinh tế, công nghệ và văn hóa của Nga”.
RAND nhận định, vùng an toàn của Tổng thống Putin là một cuộc chiến ý thức hệ toàn cầu không có giới hạn địa lý hay thời gian biểu. Trước sự sụp đổ của Bức tường Berlin và Liên Xô, ông Putin từng nghĩ đó là thảm họa địa - chính trị lớn nhất thế kỷ 20. Ông cho rằng đó là sự sụp đổ của “nước Nga lịch sử”; người Nga mất đi sự tôn trọng và lãnh thổ.
Bây giờ 35 năm sau, Tổng thống Putin có thể tuyên bố đã khôi phục được vị thế của Nga, sức mạnh quân sự và tính ưu việt về văn hóa của nước này trên thế giới. Sứ mệnh của ông tiếp tục và điều đó đòi hỏi sự đoàn kết, đồng lòng nhất trí của lãnh đạo cũng như người dân Nga.
Lặp lại lời cảnh báo đưa ra vào mùa hè năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/3 nói rằng Nga có thể tìm cách tạo ra một “vùng an ninh” trên lãnh thổ Ukraine mà Nga hiện không kiểm soát.
Ông không cung cấp thông tin chi tiết, nhưng các nhà phân tích tin rằng vùng đệm như vậy sẽ kéo theo nỗ lực chiếm giữ các phần của khu vực Kharkiv của Ukraine - một cuộc tấn công có thể đòi hỏi phải có quân dịch mới.