TS Demis Hassabis (trái) và TS John M. Jumper (phải) là hai trong ba nhà nghiên cứu giành được Giải Nobel Hóa học 2024. Ảnh: The New York Times
Vào lúc 11h45' ngày 9/10 giờ địa phương (tức 16h45' giờ Việt Nam), tại thủ đô Stockholm, Hội đồng Nobel của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố Giải Nobel Hóa học cho 2 công trình có tiềm năng lớn, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giải mã protein.
Ba tác giả nghiên cứu được vinh danh, bao gồm GS David Baker (SN 1962) thuộc Đại học Washington (Mỹ) với công trình thiết kế các loại protein hoàn toàn mới dựa trên phương pháp tính toán và hai nhà khoa học John M. Jumper (SN 1985, người Mỹ), Demis Hassabis (SN 1976, người Anh) đến từ công ty Google DeepMind với mô hình dự đoán cấu trúc protein.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển: "GS David Baker đã thành công với kỳ tích gần như bất khả thi là tạo ra các loại protein hoàn toàn mới. Trong khi đó, TS Demis Hassabis và TS John Jumper đã phát triển một mô hình AI để giải quyết một vấn đề đã tồn tại 50 năm: Dự đoán cấu trúc phức tạp của protein. Những khám phá này có tiềm năng to lớn".
Protein được coi là công cụ hóa học đóng vai trò quan trọng. Bởi chúng kiểm soát và thúc đẩy tất cả các phản ứng hóa học tạo nên nền tảng của sự sống. Protein hoạt động như hormone, chất truyền tín hiệu, kháng thể và tạo nên các mô khác nhau.
Trên thực tế, protein thường bao gồm 20 loại axit amin khác nhau và được ví như "các khối gạch" tạo nên sự sống. Năm 2003, GS Baker đã thành công trong việc sử dụng những khối này để tạo ra một loại protein mới, không giống bất kỳ loại protein nào khác. Kể từ đó, nhóm nghiên cứu của ông đã có thêm nhiều sáng tạo, trong đó bao gồm các protein có thể được sử dụng làm dược phẩm, vắc-xin, vật liệu nano và cảm biến nhỏ.
Trong khi đó, khám phá thứ hai được Nobel Hóa học 2024 vinh danh có liên quan đến việc dự đoán cấu trúc protein. Mỗi tế bào sinh vật có thể chứa tới hàng tỷ protein. Do đó, chỉ khi hiểu được cấu trúc của protein, chúng ta mới nắm bắt được cách thức hoạt động của chúng, từ đó giải mã các biến thể gây bệnh và phát triển nhanh các loại thuốc mới hiệu quả cao, hay giống cây siêu năng suất cũng như tìm ra các enzyme có thể phân hủy chất thải công, nông nghiệp cùng nhiều ứng dụng khác.
Kể từ những năm 1970, các nhà nghiên cứu đã cố gắng dự đoán về cấu trúc protein từ trình tự các axit amin, nhưng điều này là cực kỳ khó khăn.
Năm 2020, TS Hassabis và TS Jumper đã cho ra đời AlphaFold, hệ thống trí tuệ nhân tạo dự đoán cấu trúc 3D của protein, với tốc độ và độ chính xác chưa từng thấy. Với sự phát triển vượt trội của cả công nghệ giải mã gene và AlphaFold, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, chúng ta đã phát hiện và dự đoán chính xác cấu trúc 3D của 200 triệu protein chứa trong mọi sinh vật sống. Quá trình này vẫn đang tiếp tục với tốc độ vượt trội.
Đến nay, AlphaFold đã được hơn nửa triệu nhà nghiên cứu từ 190 quốc gia truy cập và sử dụng để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề quan trọng trong thế giới thực, từ ô nhiễm nhựa đến kháng kháng sinh.
"Sự sống không thể tồn tại nếu không có protein. Việc chúng ta hiện có thể dự đoán được cấu trúc protein và thiết kế protein của riêng mình mang lại lợi ích tối đa cho con người", đại diện cơ quan trao giải Nobel 2024 cho biết.
GS David Baker hiện công tác tại ĐH Washington, bang Washington. TS John M. Jumper hiện là nhà nghiên cứu tại Google DeepMind ở London (Anh). Còn TS Demis Hassabis là Tổng giám đốc điều hành của Google DeepMind ở London.
Chủ nhân giải Nobel Hóa học 2024 từng được vinh danh tại VinFuture
Trước đó, vào năm 2022, Giải đặc biệt của VinFuture dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới trị giá 500.000 USD (tương đương hơn 12 tỷ đồng) được trao cho hai nhà khoa học là TS Demis Hassabis và TS John M. Jumper, vì đã phát triển AlphaFold - một hệ thống trí tuệ nhân tạo dự đoán chính xác cấu trúc 3D của protein.
Khi đó, Hội đồng Giải thưởng VinFuture đánh giá rằng, công trình tiên phong về hệ thống trí tuệ nhân tạo giải mã protein AlphaFold 2 đã tạo nên cuộc cách mạng trong mô hình hóa cấu trúc protein, từ đó thúc đẩy những phát triển đột phá trong lĩnh vực y sinh, y tế và nông nghiệp.
Đây không phải lần đầu tiên các Chủ nhân Giải thưởng VinFuture tiếp tục được vinh danh ở những giải thưởng quốc tế uy tín vì những phát minh có tác động tích cực to lớn đến nhân loại. Vào năm ngoái, hai Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture mùa đầu tiên là TS. Katalin Karikó và và GS. Drew Weissman cũng được vinh danh ở giải Nobel Y học 2023 cho công trình nghiên cứu về các biến đổi của nucleoside, từ đó giúp phát triển vắc-xin mRNA chống lại Covid-19.
Việc các nhà khoa học đạt giải VinFuture (Giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế đầu tiên do người Việt Nam khởi xướng) ngày càng được vinh danh ở những giải thưởng quốc tế danh giá đã khẳng định sự hiệu quả trong quy trình lựa chọn đề cử của Giải thưởng VinFuture, đồng thời chứng tỏ với thế giới về tầm vóc và tầm nhìn của Hội đồng Giải thưởng VinFuture.
Qua đó khẳng định vai trò quan trọng của VinFuture trong việc đánh giá và thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới.