Tối 2-8 giờ địa phương, hàng trăm người đã tập trung tại khách sạn Grand Hyatt ở quận Tín Nghĩa của Đài Bắc để đón chào bà Pelosi. Đám đông tay cầm điện thoại ùa ra đường khi đoàn xe cảnh sát hộ tống bà Pelosi đến nơi.
Trước đó tại sân bay Tùng Sơn Đài Bắc, nhiều người đã cuốc bộ bên ngoài hàng rào sân bay này để chờ máy bay chở bà Pelosi hạ cánh.
Trên mặt truyền thông, các báo đài của Đài Loan đều tập trung vào chuyến đi của bà Pelosi và mặc dù cố gắng giữ câu chữ trung dung, hầu hết các tin tức xuất hiện theo hướng lạc quan và hoan nghênh nữ chính khách Mỹ đến Đài Bắc.
Tuy nhiên không phải tất cả người dân Đài Loan đều muốn thấy bà Pelosi đặt chân lên hòn đảo này.
Hiệp hội Đồng tâm yêu nước Trung Quốc có trụ sở tại Đài Bắc đã tập trung từ rất sớm gần khách sạn Grand Hyatt. Đám đông dao động từ vài trăm đến khoảng 1.000 người thuộc nhiều nhóm tuổi khác nhau.
Họ đến đây để phản đối cả chính quyền hiện tại của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, Chính phủ Mỹ và bà Pelosi.
Ông Gu Xijun, phó chủ tịch của hiệp hội nói trên, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng họ sẽ biểu tình và kêu gọi tẩy chay bà Pelosi ở bất kỳ nơi đâu bà đến.
Cô Zhang Xiuye, một cư dân Đài Loan khác đã tham gia cuộc biểu tình, thì cáo buộc các chính trị gia Mỹ liên tục tạo ra căng thẳng xuyên eo biển và sử dụng Đài Loan như một máy ATM rút tiền.
"Cả hai bờ eo biển Đài Loan là một gia đình" - cô Zhang nói và cho biết hai bờ eo biển Đài Loan có thể ngồi xuống và nói chuyện mà không cần Mỹ can thiệp.
Người biểu tình phản đối chuyến thăm của bà Pelosi ở Đài Bắc vào ngày 2-8 - Ảnh: REUTERS
Đây không phải là lần đầu tiên một chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Đài Loan. Năm 1997, người đứng đầu Hạ viện Mỹ khi đó là ông Newt Gingrich đã đến Đài Bắc ngay sau chuyến thăm Trung Quốc đại lục.
Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh đang chờ thống nhất và phản đối mọi cuộc tiếp xúc các cấp của nước khác với Đài Bắc.
Trong hệ thống chính trị Mỹ, bà Pelosi có quyền lực thứ ba, chỉ sau tổng thống và phó tổng thống. Tuy nhiên vì cơ chế tam quyền phân lập, bà Pelosi ở nhánh lập pháp nên không có nghĩa vụ tuân theo các khuyến cáo của tổng thống là người đứng đầu nhánh hành pháp.
Ngay sau khi bà Pelosi đến Đài Loan, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tập trận ở 6 khu vực quanh đảo Đài Loan để đáp trả.
Khi được Hãng thông tấn trung ương Đài Loan (CNA) hỏi về điều này, học giả Shen Ming Shih thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Đài Loan cho rằng phản ứng của Trung Quốc không bất ngờ.
Ông nghi ngờ rằng cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 28-7 đã nhắc đến chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi và rất có thể cả hai đã đạt được một số thỏa hiệp.
Theo ông Shen, ông Tập sẽ ra lệnh đẩy mạnh các cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển Trung Quốc để xoa dịu những người cứng rắn. Tuy nhiên Bắc Kinh sẽ giữ tình hình không leo thang đến mức vượt kiểm soát, chẳng hạn triển khai tàu chiến để thiết lập một cuộc phong tỏa hoàn toàn đảo Đài Loan.