Soyuz MS-22 và Progress MS-21 là hai tàu Nga bay đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) làm việc trong thời gian qua, trong đó Soyuz là tàu chở người (3 phi hành gia từ Roscosmos và NASA), Progress là tàu không người lái mang hàng tiếp tế.
Tàu Soyuz MS-22 gặp nạn giữa tháng 12-2022 và chỉ 3 tháng sau đến lượt Progress MS-21, cả hai đều bị rò rỉ chất làm mát. Chỉ có tàu Soyuz được kết luận là do một mảnh thiên thạch hoặc mảnh vỡ nhỏ va vào, sau cuộc điều tra chung của Roscosmos và NASA. Roscosmos nghi ngờ Progress bị tác động bởi một sự cố hồi tháng 10-2022 nhưng không chắc chắn.
Tàu Soyuz của Nga khi bị rò rỉ, với "đám mây" chất làm mát bay đầy quanh thân tàu - Ảnh: NASA
Tờ Space dẫn lời Giám đốc chương trình ISS của NASA Joel Montalbano, cho biết các sự cố liên tiếp đã khiến Roscomos tính đến chuyện xem xét kỹ hơn các quy trình sản xuất tàu vũ trụ của nước này.
"Ngoài mảnh vỡ quỹ đạo, nhóm chúng tôi, Roscosmos và Energia đang xem xét quy trình sản xuất" - ông Montalbano tiết lộ trong buổi họp báo về sự trở lại thành công của một tàu vũ trụ khác là SpaceX Dragon, trước đó mang theo 4 phi hành gia Nhật - Nga - Mỹ lên ISS.
Energia là nhà thầu chính cho chương trình đưa người vào vũ trụ của Nga, là công ty chế tạo chính cho cả 2 dòng tàu Nga là Soyuz và Progress.
Sự cố đã khiến tàu Soyuz MS-22 không còn đủ an toàn để đưa 3 phi hành gia về Trái Đất, khiến họ tạm thời "mắc kẹt" mà không có phương tiện cứu sinh nếu ISS gặp sự cố, cho đến khi Nga kịp gửi tàu Soyuz MS-23 lên trạm ít ngày trước.
NASA cho biết họ tin tưởng vào chiếc Soyuz mới nhưng sẽ để mắt đến bất kỳ diễn tiến mới nào. Roscosmos cũng sẽ làm điều tương tự.
Vì Soyuz MS-23 - con tàu lẽ ra đưa 3 phi hành gia khác lên thay thế nhóm đi tàu MS-22 vào tháng 3 - đã được dùng làm phương tiện cứu sinh, nên nhóm phi hành gia nói trên sẽ phải nối dài sứ mệnh cho đến khi Nga gửi tiếp tàu MS-24 chở nhóm thay thế lên trạm - dự kiến vào tháng 6.
Tàu Soyuz gặp nạn dự kiến sẽ được đưa về trong trạng thái không người lái, trong khi Progress MS-21 đã được điều khiển để quay về "tự sát" trong bầu khí quyển Trái Đất, phần còn lại rơi xuống Thái Bình Dương ngày 19-2.