ET tiết lộ rằng, gói nâng cấp tàu săn ngầm lớp Petya cho Việt Nam bao gồm hệ thống sonar mới, bệ phóng bom chống ngầm, hệ thống điều khiển hỏa lực và hệ thống vũ khí chống ngầm mới.
Trong khi Hải quân Nhân dân Việt Nam đang được biên chế 5 tàu lớp Petya, trước tiên phía Ấn Độ sẽ nâng cấp 2 tàu chiến cho phía Việt Nam, sau đó sẽ thực hiện hợp đồng tiếp theo.
Hợp đồng ban đầu này sự kiến có giá trị khoảng 200 triệu rupee.
Dù không phải là chiến hạm thế hệ mới nhưng đội tàu săn ngầm của Hải quân Việt Nam gồm 5 chiếc lớp Petya vẫn thể hiện sức mạnh đáng kinh ngạc. Chiến hạm săn ngầm lớp Petya (project 159) được thiết kế để tiêu diệt tàu ngầm ở vùng nước nông.
Tàu săn ngầm Petya trong Hải quân Việt Nam.
Được biết, đội tàu săn ngầm của Hải quân Việt Nam đều thuộc lớp Petya II/III trang bị hệ thống vũ khí tương tự nhau gồm: 2 hệ thống pháo phòng không Ak-726, 2 hệ thống rocket săn ngầm phóng loạt RBU-6000 và 2 hệ thống ngư lôi chống ngầm cỡ 400mm.
Hệ thống rocket phóng loạt RBU-6000 được dùng để chống mục tiêu dưới mặt nước ở tầm gần hoặc đánh chặn ngư lôi. RBU-6000 thiết kế 12 ống phóng đạn cỡ 213mm, nó có thể phóng 1 quả, loạt 2-4-8-12 quả cùng lúc.
Rocket RBU-6000 phóng đạn RGB-60 nặng 110kg, lắp đầu đạn nặng 25kg, tầm bắn 350-5.800m, xuyên sâu xuống mặt nước tối đa 500m. Ngoài ra, tàu còn được trang bị hệ thống pháo Ak-726 và cụm 5 ống phóng ngư lôi chống ngầm cỡ 400mm.
Pháo phòng không Ak-726 lắp 2 nòng pháo 76,2mm có thể tiêu diệt mục tiêu trên không ở tầm bắn tối đa 15.700m, độ cao 11.000m, bán kính sát thương 8m.
Sau một thời gian dài sử dụng, do các hệ thống vũ khí săn ngầm khá lạc hậu nên Việt Nam đã tự hoán cải 2 tàu săn ngầm thành tàu pháo tuần tra.
Hai tàu HQ-11 và HQ-15 được tháo bỏ toàn bộ hệ thống định vị thủy âm, hệ thống ngư lôi và thay bằng 2 tháp pháo 37mm phòng không.
Mặc dù vậy, trong biên chế của Hải quân Nhân dân Việt Nam vẫn còn 3 tàu Petya II/III trang bị đầy đủ vũ khí săn ngầm hiện đại nhất của Việt Nam.