Hải quân Ukraine tự tay “xóa sổ” tàu tên lửa cuối cùng: Chuyện gì đang xảy ra?

Chỉ Nhàn |

Việc tháo các bệ phóng KT-97M chính thức “xóa sổ” hoàn toàn chiếc tàu tên lửa duy nhất còn lại của Hải quân Ukraine. Kiev đang làm gì vậy, tại sao họ lại “phá sạch, vứt sạch”?

Sputnik dẫn nguồn tin từ cổng thông tin quân sự Ukraine cho hay, các ống phóng container KT-97M chứa tên lửa chống hạm P-15M Termit đã được tháo dỡ khỏi tàu tên lửa duy nhất của Hải quân Ukraine mang tên Priluki (P153).

Điều đó có nghĩa là, kể từ thời điểm này, Hải quân Ukraine chính thức không còn tàu tên lửa trong biên chế. Như vậy, sau hơn 20 năm "tàn phá" kho báu Hạm đội biển Đen chia cho năm 1997, Ukraine đã vứt bỏ 100% các tàu chiến trang bị tên lửa diệt hạm do Liên Xô sản xuất.

Tự "chặt chân, chặt tay", xóa sổ mọi thứ tốt nhất

Dẫu rằng tàu tên lửa Priluki (P153) cũng chẳng phải là một chiếc tàu hiện đại. Priluki (P153) là chiếc tàu duy nhất thuộc lớp tàu tên lửa cánh ngầm Đề án 206MR Vikhr (NATO định danh là lớp Matka) do Liên Xô đóng từ những năm 1970.

Chiếc tàu này chỉ có lượng giãn nước toàn tải khoảng 250 tấn, dài chưa tới 40m và được trang bị 2 bệ phóng tên lửa hành trình P-15M Termit có tầm bắn khoảng 80km.

Nhìn chung, đây là thiết kế tàu tấn công tốc độ cao, thích hợp với chiến thuật "bắn rồi chạy", hoạt động ở vùng ven bờ và không chịu được sóng gió cấp độ cao.

Với tên lửa "cổ lỗ" như P-15M (tốc độ bay thấp, hệ thống dẫn đường lỗi thời dễ bị gây nhiễu, kích thước thì lại quá lớn) thì rõ ràng Priluki (P153) không là đối thủ của các chiến hạm Nga hiện đại.

Hải quân Ukraine tự tay “xóa sổ” tàu tên lửa cuối cùng: Chuyện gì đang xảy ra? - Ảnh 1.

Tàu tên lửa Priluki đã không còn hai bệ phóng KT-97M.

Thậm chí, trong một trận chiến thực sự, Priluki có thể bị tiêu diệt trước khi kịp phóng đạn.

Dẫu vậy, Priluki (P153) là thứ duy nhất của Hải quân Ukraine ít ra có thể tấn công tầm xa lên tới gần trăm km nhắm vào các tàu chiến Nga trong một cuộc xung đột tiềm tàng.

Cho nên quyết định "chặt chân, chặt tay" của Kiev vào lúc mà căng thẳng với Moscow sau cuộc xung đột ở eo biển Kerch vẫn chưa có dấu hiệu "hòa giải" thì rõ ràng khiến người ta cảm thấy khó hiểu.

Không còn đạn, "có mới bỏ cũ" hay…

Hiện tại, vẫn chưa có giải thích rõ ràng nào được đưa ra sau quyết định khó hiểu của Hải quân Ukraine. Không loại trừ khả năng tên lửa P-15 Termit trong kho vũ khí của Ukraine đã hết niên hạn sử dụng, hoặc là họ không còn đủ linh kiện thay thế.

Và có lẽ từ lâu, mang tiếng là tàu tên lửa nhưng P153 Priluki không còn đạn Termit để sử dụng. Cho nên, tới lúc này việc cắt bỏ bệ phóng đưa con tàu trở thành tàu pháo tuần tra là chuyện phải làm!

Cũng không loại trừ khả năng P153 Priluki đã quá lỗi thời cho nhiệm vụ diệt hạm và Kiev đã có phương án thay thế tốt hơn. Tuy nhiên, việc này ít có thể xảy ra vì hiện nay và vài năm tới Ukraine hầu như không có phương án rõ ràng nào nâng cấp đội tàu.

Việc mua sắm các khinh hạm Oliver Hazard Perry (OHP) của Hải quân Mỹ vẫn đang giai đoạn chuẩn bị kinh phí. Đó là chưa kể, Kiev không có kế hoạch nào tới thời điểm hiện tại nâng cấp hỏa lực cho OHP khi mà bệ phóng tên lửa của nó đã bị tháo bỏ.

Về phần kế hoạch đóng tàu chiến mới, Ukraine hiện thời không có đủ năng lực chế tạo tàu tên lửa cỡ nhỏ chứ chưa nói tới đóng tàu lớn.

Hải quân Ukraine tự tay “xóa sổ” tàu tên lửa cuối cùng: Chuyện gì đang xảy ra? - Ảnh 2.

Tên lửa Termit tuy lỗi thời nhưng vẫn tốt hơn nhiều loại vũ khí khác của Hải quân Ukraine.

Dự án tàu hộ vệ đề án 58250 Volodymyr Velykyi tới nay mới chỉ hoàn thành 43% khối lượng công việc sau 7 năm chế tạo. Dự kiến phải tới năm 2022 mới hoạt động, tuy nhiên hiện người ta vẫn chưa có cấu hình vũ khí, radar cụ thể cho con tàu.

Ngoài ra, cũng có nguồn tin cho rằng, P153 Priluki sẽ được hiện đại hóa với tên lửa hành trình chống hạm thế hệ mới Neptun do Ukraine sản xuất.

Tình trạng kỹ thuật của thân tàu Priluki được đánh giá là có thể lắp được các ống phóng Container cho phép mang nhiều hơn 2 quả đạn Neptun.

Dù vậy, loại tên lửa này tới nay còn chưa qua thử nghiệm cấp Nhà nước nên chắc chắn trong tương lai gần Priluki sẽ không có quả tên lửa mới nào.

Nhìn chung chắc hẳn Hải quân Ukraine phải có một ý đồ nhất định nào đó mới dẫn tới quyết định lạ lùng trên.

Vấn đề là, trong bối cảnh hiện tại mọi phương án thay thế đều rất mờ mịt, nên chăng họ cần tỉnh táo chọn giải pháp tốt nhất.

Ví dụ như là việc cố gắng tận dụng mọi nguồn lực tốt nhất để duy trì tình trạng chiến đấu của tàu tên lửa thay vì "phá sạch, vứt sạch"…

Rõ ràng, với quyết định trên, hiện tại Hải quân Ukraine thực sự không còn khả năng chiến đấu với bất kỳ lực lượng nào trang bị các chiến hạm tên lửa mạnh hơn.

Video hiếm ghi lại hình ảnh tàu P153 Priluki khai hỏa tên lửa Termit trong một cuộc tập trận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại