Theo RIA Novosti, hôm 19/7, tân Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã có chuyến viếng thăm nhà máy đóng tàu Nikolayevsky cùng Bộ trưởng Quốc phòng Stepan Poltorak.
Ngoài việc thăm các cơ sở chế tạo, cũng trong chuyến đi này, ông Zelensky đã có hành động đặc biệt đó là lên thăm chiếc tuần dương hạm tên lửa đề án 1164 mang tên "Đô đốc Lobov" được đóng từ năm 1984 dưới thời Liên Xô.
Tới thời điểm Liên Xô tan rã, con tàu mới chỉ hoàn thành 75% khối lượng công việc, năm 1993 Ukraine đổi tên nó thành Ukrayina, năm 1996 chính quyền Kiev ngừng hoàn toàn việc chế tạo. Từ đó tới nay, khối sắt thép khổng lồ này vẫn neo đậu bên bờ biển Đen.
Lưu ý rằng, hiện Hải quân Nga đang duy trì 3 trong số 4 chiếc được chế tạo ở Ukraine. Và chúng hiện cũng là trụ cột trong các hạm đội hùng mạnh của nước Nga khắp các vùng biển.
Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Quốc phòng Poltorak đề nghị Tổng thống Zelensky nên tháo dỡ hoàn toàn con tàu và tập trung vào việc chế tạo các tàu hộ tống thế hệ mới.
Tuy vậy, ông Zelensky không đưa ra tuyên bố cụ thể nào về ý định tương lai liên quan tới tuần dương hạm Ukrayina.
Hồi sinh cứu lấy Hải quân Ukraine tàn tạ!
Việc không đưa ra một quyết định về số phận tuần dương hạm Ukrayina có lẽ là do chính Tổng thống Zelensky lấy làm đắn đo nên giữ hay nên phá hủy con tàu.
Dẫu sao, dù cho bên ngoài đã rỉ sét trông như cục sắt vụn nhưng nhiều hình ảnh được công bố trước kia cho thấy bên trong con tàu vẫn mới tinh như ngày nào. Bởi theo Sputnik, hàng tháng chính quyền Ukraine vẫn chi khoảng 225.000 USD phục vụ việc bảo dưỡng duy trì con tàu thay vì để mặc thời gian phá hủy.
Không loại trừ khả năng Tổng thống Zlensky muốn hồi sinh con tàu cứu lấy Hải quân Ukraine đang "nát như tương bần" từ sau cuộc khủng hoảng năm 2014.
Tổng thống Ukraine thăm tuần dương hạm rỉ sét mang tên Ukrayina.
Sự bệ rạc của Hải quân Ukraine thể hiện rất rõ nét trong cuộc xung đột eo biển Kerch cuối năm 2018, 3 tàu chiến mới tinh của hải quân Ukraine dễ dàng để bị tàu tuần duyên Nga tóm gọn.
Khi đó, nhìn lại sức mạnh Hải quân Ukraine người ta không khỏi ngỡ ngàng lực lượng thừa hưởng kho vũ khí thời Liên Xô sao chỉ còn có vậy.
Toàn bộ Hải quân Ukraine tính tới lúc này không còn tàu tên lửa, chiếc chiến hạm lớn nhất cỡ 3.000 tấn chỉ có hỏa lực pháo.
Ukraine tích cực chế tạo một số loại tàu mới nhưng chỉ có lượng giãn nước không tới 100 tấn (lớp Gurza-M và Zhuk) và thực tế là không giúp gì được cho họ.
Dự án đóng tàu hộ vệ 2.500 tấn mang tên Volodymyr Velykyi khởi động từ năm 2011 tới nay mới chỉ hoàn thành 43% khối lượng công việc. Chưa kể, người ta còn đang chật vật phát triển vũ khí nội địa cho nó.
Mới đây, Mỹ chính thức cung cấp thêm 2 tàu tuần tra cho Ukraine nhưng chúng vốn chỉ là tàu tuần duyên cỡ nhỏ của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, không có mấy giá trị nếu Kiev muốn đối đầu với Hải quân Nga như những tuyên bố "sắt đá" của họ.
Rõ ràng là hiện tại không có "cửa sáng" nào cho Hải quân Ukraine, thế nên việc hồi sinh tuần dương hạm khổng lồ thời Liên Xô nghe có vẻ bất khả thi nhưng có khi còn đỡ hơn là việc chế tạo tàu mới.
Thực ra điều này từng được Kiev gián tiếp đề cập hồi đầu năm 2011, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ukraine thời đó là ông Mikhail Yezhel đã cho biết là sẽ không loại bỏ tàu chiến hoàn chỉnh 95%, các vấn đề sẽ được giải quyết trong tương lai gần.
Con tàu đã hoàn thiện tới 95%.
Lưu ý rằng, nhà máy đóng tàu Mykolayiv (Ukraine) là nơi chế tạo toàn bộ loạt 4 tàu tuần dương Slava. Cho nên, chắc hẳn họ có lưu kho các tài liệu kỹ thuật cần thiết phục vụ việc hoàn thiện con tàu.
Về các hệ thống điện tử - vũ khí có liên quan, không thiếu giải pháp cho việc này từ việc thay thế hoặc lựa chọn cấu hình tương tự thời Liên Xô, Ukraine chắc chắn có đủ hết. Vấn đề chỉ còn lại là tiền đâu!
Dĩ nhiên, việc hoàn thiện tuần dương hạm Slava sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD, đó là bài toán khó với nguồn ngân sách quốc phòng Ukraine trong bối cảnh nền kinh tế nước này cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Hay bán kiếm chút tiền tiêu
Cũng không loại trừ khả năng chính quyền Tổng thống Zelensky sẽ cân nhắc tới phương án bán tuần dương hạm Slava cho nước ngoài.
Dù Ukrayina đã nằm tại cảng tới hơn 30 năm thế nhưng khung thân của nó vẫn còn rất tốt, hoàn toàn có giá trị với bất cứ lực lượng hải quân nào cần một con tàu có thể tác chiến biển xa, mang nhiều loại vũ khí.
Giá trị của nó hiện không rõ ràng nhưng chắc chắn không phải quá rẻ mạt vì thực tế nó cũng đã cơ bản hoàn thiện.
Nếu quốc gia mua lại có nhu cầu hiện đại hóa thì đó là tin vui với nhà máy đóng tàu Mykolayiv khi họ sẽ có công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân trong một vài năm.
Ngoài cái vỏ trông cũ nát thì Ukrayina không quá tệ nếu nhìn vào sức mạnh tiềm ẩn bên trong nó.
Thực tế thì phương án này là khả năng rất lớn vì nó đã được nhiều quốc gia quan tâm gồm cả Nga.
Vào năm 2010, Moscow từng đề xuất mua lại chiếc tuần dương hạm từ Ukraine để hoàn thiện nó và tái trang bị cho Hải quân Nga.
Dẫu vậy, những tranh cãi có lẽ liên quan tới giá cả đã khiến thương vụ này đi vào ngõ cụt. Từ đó tới năm 2014, Moscow không còn đả động tới ý đồ này.
Theo tờ Ukrmilitary tháng 8/2018, Brazil bày tỏ sự quan tâm tới tuần dương hạm Ukrayina.
Nếu thỏa thuận thành công, con tàu sẽ được Ukraine hoàn thiện và hiện đại hóa sau đó chuyển giao cho Hải quân Brazil. Thế nhưng, thương vụ này tới nay cũng "mất tích" hoàn toàn.
Trung Quốc có thể cũng sẽ trở thành một "khách hàng tiềm năng" với Ukrayina, khi trong quá khứ Bắc Kinh đã mua nhiều tàu chiến cũ thời Liên Xô từ Ukraine, mà điển hình là chiếc tàu sân bay Varyag sau được cải tạo thành Liêu Ninh (CV-16).
Tuy nhiên, nếu như chào hàng Trung Quốc cách đây chừng 10 năm thì còn có khả thi, ở hiện tại với năng lực đóng tàu của mình Trung Quốc đã chế tạo thành công những con tàu lớn ngang ngửa Slava.
Nhìn chung, trong bối cảnh hiện tại việc bán tuần dương hạm Ukrayina không phải dễ. Ukraine chắc hẳn muốn có một cái giá thật tốt cho công sức năm xưa của mình, nhưng người mua thì vẫn mong một cái giá rẻ nhất với con tàu cũ.
Bán chẳng xong mà hồi sinh hay phá dỡ con tàu cũng đều phải có tiền mời làm được, số phận tuần dương hạm Ukrayina đúng là "bỏ thì thương mà vương thì tội"!
Theo thiết kế, tuần dương hạm Ukrayina có lượng giãn nước 11.490 tấn, dài 186,4m, thủy thủ đoàn 480 người.
Tàu được trang bị kho vũ khí khổng lồ gồm: 16 tên lửa hành trình chống hạm P-500 Bazalt (tầm phóng 500km); 64 tên lửa phòng không tầm xa S-300F; 40 tên lửa phòng không tầm thấp OSA-MA; một pháo hạm 130mm; 6 pháo phòng không AK-630; 2 bệ phóng bom chống ngầm RBU-600 và 10 ống phóng ngư lôi 533mm.
Video tuần dương hạm Varyag thuộc lớp Slava thử vũ khí.