"Quả đấm thép hạt nhân": Hải quân Nga đã tấn công, không thế lực nào chống đỡ nổi!

Tú Anh |

Nga đang tập trung phát triển một khả năng tấn công nhằm đối phó với mọi dạng thức xung đột, từ quy mô khu vực cho tới chiến tranh hạt nhân trên phạm vi toàn cầu, nếu cần thiết.

Hải quân Nga - "Quả đấm thép" hạt nhân chiến lược

Một trong những điểm nhấn rõ nét nhất dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin là Hải quân Nga ngày càng được tăng cường khả năng cũng như sứ mệnh thực thi nhiệm vụ.

Ngay từ tháng 2/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã hoạch định một chương trình nghị sự rõ ràng nhằm thiết lập một mạng lưới căn cứ quân sự trên phạm vi toàn cầu cho lực lượng hải quân nước này.

Các sự kiện diễn ra ở Crimea và Ukraine không phải hoàn toàn ngẫu nhiên mà nó nằm trong những tính toán có chủ đích gắn với một kế hoạch chiến lược rộng lớn hơn của Nga.

Những động thái trong thời gian gần đây càng góp phần củng cố thêm nhận định này và cho thấy, cùng với tham vọng thiết lập các tiền đồn hải quân ở mọi ngóc ngách trên thế giới, Nga rõ ràng đang đẩy mạnh nỗ lực thực hiện khả năng tấn công trên phạm vi toàn cầu.

Quả đấm thép hạt nhân: Hải quân Nga đã tấn công, không thế lực nào chống đỡ nổi! - Ảnh 1.

Tổng thống Putin tại trung tâm chỉ huy Quân đội Nga. Ảnh: Kremlin.ru

Các cuộc tập trận quân sự mới nhất trong tháng 10/2019 vừa qua đã bộc lộ rõ những tham vọng của Nga nhằm đạt được mục tiêu đó. Ngay sau khi kết thúc cuộc tập trận hạt nhân thường niên Grom 2019, trong đó lực lượng hải quân giữ một vai trò nổi bật, Quân đội Nga lại triển khai ngay 12 tàu ngầm cùng 17 tàu hậu cần tới Bắc Đại Tây Dương.

Vị trí cũng như quy mô của đội hình tham gia cuộc tập trận thứ hai cho thấy rõ ý định thực hành các đòn tấn công hạt nhân vào Bắc Mỹ và/hoặc huấn luyện đánh chặn các lực lượng hải quân liên minh hay các vụ tấn công vào những tuyến đường vận tải trên biển.

Lực lượng này cũng lần đầu tiên được triển khai tới biển Barents và biển Na Uy. Điều đó cho thấy Hạm đội biển Bắc hiện nay đóng một vai trò nòng cốt trong các kế hoạch quân sự của Nga.

Tháng 9/2019, lần đầu tiên Hải quân Nga xác nhận đã phóng tên lửa hành trình siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ hệ thống phòng thủ Bastion đặt trên mặt đất, sau khi nó đã được triển khai trong khoảng 10 năm. Tầm bắn của tên lửa khoảng 600 km.

Quả đấm thép hạt nhân: Hải quân Nga đã tấn công, không thế lực nào chống đỡ nổi! - Ảnh 2.

Nga phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Sineva trên biển Barents. Ảnh: Sputnik

Rõ ràng, các kịch bản hạt nhân đã được Nga tính toán trong những hoạt động gần đây. Hải quân nước này hiện đang có kế hoạch đóng các tàu ngầm mới theo Dự án 636.3, trang bị tên lửa hành trình Kalibr lưỡng dụng để biên chế cho Hạm đội Baltic, lực lượng cho tới nay vẫn là hạm đội phi hạt nhân.

Hạm đội biển Đen cũng tương tự như vậy, cho tới thời điểm hiện tại vẫn là lực lượng hải quân phi hạt nhân. Thế nhưng, các máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 đã tiến hành các sứ mệnh tuần tra trên không phận quốc tế ở biển Đen - một tín hiệu rõ ràng ám chỉ Nga coi khu vực này hoàn toàn nằm trong quyền quản lý riêng của họ.

Tháng trước, lần đầu tiên Nga đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Bulava từ một trong những chiếc tàu ngầm mới lớp Borei. Ngày cả khi Bulava chỉ có thể, như những gì báo chí đưa tin, phóng từ Tây sang Đông, thì cuộc thử nghiệm thành công cũng là thông điệp để thể hiện cho các đối thủ bên ngoài thấy khả năng hạt nhân của Hải quân Nga.

Xây dựng khả năng tấn công hạt nhân toàn cầu

Bên cạnh đó, Moscow cũng tăng cường tiến hành các cuộc tập trận và huấn luyện bên ngoài lãnh thổ nước Nga nhằm đẩy mạnh khả năng hiệp đồng tác chiến.

Các lực lượng vũ trang Nga gần đây đã thực hiện các cuộc tập trận phối hợp không quân và hải quân ở phía Đông Địa Trung Hải.

Việc tiến hành những sự kiện này gần biên giới Israel, Nga muốn truyền tải đi thông điệp nhắc nhở Israel rằng Moscow có quyền sở hữu không phận Syria và sẵn sàng trả đũa nếu Israel không kích Iran hoặc các mục tiêu khác mà không được sự chấp thuận của Nga.

Trung Đông không phải là khu vực duy nhất Moscow tìm cách khuếch trương sức mạnh. Venezuela đã chào mời Nga mở một căn cứ không quân và hải quân ở La Orchila.

Địa điểm này có thể trở thành một tiền đồn để Nga triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung, mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, chĩa thẳng vào nước Mỹ lục địa và đặt tất cả khu vực Mỹ Latin cũng như Caribbe nằm dưới chiếc ô hạt nhân của Moscow.

Tương tự như vậy, Moscow cũng đang theo đuổi kế hoạch thiết lập các căn cứ không quân, hải quân và lục quân ở trong và xung quanh châu Phi.

Cùng với việc tăng cường năng lực cho các lực lượng tấn công đổ bộ, những xu hướng này cho thấy rõ Moscow đang hướng tới mục tiêu phát triển một khả năng tấn công nhằm đối phó với những diễn biến bất ngờ ở mọi dạng thức xung đột, từ quy mô khu vực cho tới chiến tranh hạt nhân trên phạm vi toàn cầu nếu cần thiết.

Quân đội Nga tiến hành cuộc tập trận hạt nhân thường niên Grom 2019

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại