Trong một cuộc họp của Ủy ban Lực lượng Vũ trang Thượng viện Mỹ diễn ra vào ngày 1/12 nhằm đánh giá về chương trình tàu chiến cận bờ (LCS), Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) đã đưa ra báo cáo nói rằng Quốc hội Mỹ phải quyết định:
“Liệu một tàu chiến có chi phí gấp đôi so với các tàu thông thường mà khả năng lại không bằng với thiết kế ban đầu có xứng đáng để được đầu tư thêm hay không”.
Một tàu LCS của Mỹ đang hoạt động trên biển
Thêm vào đó, báo cáo này cũng cho rằng những thay đổi đối với tàu khi chương trình mới bắt đầu đã khiến nhiều vấn đề nảy sinh.
“Kế hoạch cho ra hai mẫu tàu thử nghiệm khác nhau để kiểm nghiệm hoạt động đã bị hủy bỏ, thay vào đó những người đứng đầu dự án quyết định chế tạo một số lượng tàu lớn ngay lập tức trước khi kiểm nghiệm khả năng của chúng”, báo cáo viết. “Các tàu chiến này sau đó đã không được bàn giao nhanh chóng và với chi phí thấp, mà chất lượng lại đi xuống theo thời gian”.
Theo trang Stripes.com, trong vòng 10 năm, chi phí chế tạo tàu chiến đã tăng từ 220 triệu lên thành 478 triệu USD mỗi tàu.
Vào đầu năm 2017, Hải quân Mỹ có ý định đề xuất mua 12 tàu chiến LCA cuối cùng trong tổng số 40 tàu nhận về theo kế hoạch ban đầu, đồng thời cải tiến những loại vũ khí trên tàu. Báo cáo của GAO cho biết Hải quân Mỹ đang muốn có thêm ngân sách trong năm 2017 và 2018 “mặc dù chi phí, thời hạn hoàn thành và khả năng của tàu không rõ ràng”.
Mặc dù người đứng đầu Ủy ban Lực lượng Vũ trang Thượng viện Mỹ là ông John McCain từ lâu đã chỉ trích tàu LCS, chương trình này có thể sẽ nhận được sự ủng hộ từ phía Tổng thống mới Donald Trump khi ông này đã hứa sẽ nâng tổng số tàu chiến của Hải quân Mỹ từ 270 lên thành 350 tàu.
Mặc dù ông Trump không nói rõ ông sẽ cần loại tàu chiến nào, bản thân ông tin rằng việc chế tạo thêm nhiều tàu sẽ mang lại việc làm cho nhiều người.
Người được ông Trump chọn cho vị trí Tổng chưởng lý Mỹ, Thượng nghị sĩ Jeff Sessions cho biết: “Kế hoạch của ông Trump là đóng thêm tàu chiến và đảm bảo số lượng binh lính và máy bay lớn. Chúng ta không thể chỉ dùng lời nói để thuyết phục thế giới rằng chúng ta vẫn rất mạnh”.
Dù vậy, giám đốc GAO Paul Francis viết rằng cách làm của Hải quân Mỹ “đang gây ra những lo ngại khi họ đang đầu tư quá mức cho những con tàu có chi phí cao, trong khi những vấn đề kỹ thuật và thời gian hoàn thành vẫn chưa rõ ràng”.
Ông Francis nói thêm rằng Hải quân Mỹ “đã bỏ qua những nguyên tắc mua tàu vốn có để mong nhanh chóng có được thêm tàu chiến, dẫn đến những vấn đề hiện nay, bao gồm chi phí tăng gấp đôi so với dự tính ban đầu, khả năng chiến đấu không đảm bảo và thời hạn bàn giao bị kéo dài”.