Hải quân Mỹ trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật có thực sự răn đe được Nga?

Đức Trí |

Hải quân Mỹ bắt đầu trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật cho tên lửa phóng từ tàu ngầm, hành động này được coi là nhằm răn đe Nga và các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, điều này sẽ thật sự có tác dụng hay chỉ là hành động "thiếu lý trí"?

Theo thông tin từ Lầu Năm góc hôm 1/2, Hải quân Mỹ đã chính thức trang bị đầu đạn hạt nhân đương lượng nổ thấp W76-2 trên tàu ngầm, để thực hiện các hành động tấn công hạt nhân chiến thuật hoặc răn đe.

Truyền thông Nga cho rằng, Mỹ bắt đầu sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật mới để răn đe Nga. Đầu đạn hạt nhân mới W76-2 mặc dù được giảm sức công phá, nhưng lại tăng cường khả năng tấn công chính xác mục tiêu.

Giám đốc dự án thông tin vũ khí hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAA) Hans Christensen cho biết, các đầu đạn mới được trang trên các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Trident II.

Trên thực tế, từ cuối năm 2019, tàu ngầm hạt nhân Tennessee lớp Ohio của Hải quân Mỹ đã trang bị một số tên lửa D5 Trident II mang đầu đạn hạt nhân W76-2 tham gia hoạt động sẵn sàng chiến đấu.

Việc Mỹ bố trí đầu đạn hạt nhân chiến thuật thế hệ mới truyền tải thông điệp răn đe về vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ. Lầu Năm Góc từ chối bình luận chính thức về vấn đề này, “Chính sách của Mỹ là không xác nhận cũng không phủ nhận sự hiện diện hay vắng mặt của vũ khí hạt nhân tại bất kỳ địa điểm hoặc thời điểm cụ thể.

Hải quân Mỹ trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật có thực sự răn đe được Nga? - Ảnh 1.

Đầu đạn hạt nhân mới được Mỹ triển khai. Nguồn: Xinhua.

Trước đó, trong báo cáo “đánh giá xu thế hạt nhân” do Mỹ công bố vào tháng 2/2018, chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra nhu cầu phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật đương lượng nổ thấp và công bố kế hoạch sản xuất W76-2.

Các đầu đạn này chủ yếu được sử dụng để thay thế đầu đạn hạt nhân W76-1 của tên lửa phóng từ tàu ngầm Trident II trang bị trên các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio.

Tháng 2/2019, lô đầu đạn hạt nhân W76-2 đầu tiên khoảng 50 đầu đạn được sản xuất tại nhà máy Pantex ở Texas. Đến tháng 11/2019, Bộ Năng lượng Mỹ xác nhận rằng, lô đầu đạn hạt nhân W76-2 đầu tiên đã chuyển giao cho Hải quân Mỹ. Được biết, W76-2 do tàu ngầm hạt nhân Tennessee lớp Ohio mang theo là đầu đạn hạt nhân mới đầu tiên.

Hải quân Mỹ trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật có thực sự răn đe được Nga? - Ảnh 2.

Lô đầu đạn hạt nhân W76-2 đầu tiên đã chuyển giao cho Hải quân Mỹ tháng 11/2019. Nguồn: Xinhua.

Nhìn bề ngoài, W76-2 không khác gì đầu đạn hạt nhân trên tàu ngầm hạt nhân đang hoạt động, nhưng sức mạnh và thiết kế của nó hoàn toàn khác nhau. Đầu đạn hạt nhân W76-1 đang hoạt động có đương lượng nổ 10Kt, là đầu đạn hạt nhân chiến lược.

Đầu đạn hạt nhân W76-2 không chỉ có trọng lượng tương đối nhẹ mà còn có đương lượng nổ chỉ 5Kt, bằng 1/3 uy lực đầu đạn hạt nhân mà Mỹ tấn công Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh Lạnh.

Theo các quan chức chính phủ Mỹ, việc trang bị đầu đạn hạt nhân W76-2 không chỉ là nhằm răn đe Nga mà còn có tác động đáng kể đến Iran, Triều Tiên và các quốc gia khác. Điều này có nghĩa là trong những điều kiện nhất định, Mỹ không loại trừ việc sử dụng vũ khí hạt nhân đương lượng nổ thấp như vậy chống lại Iran hoặc Triều Tiên.

Hải quân Mỹ trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật có thực sự răn đe được Nga? - Ảnh 3.

Việc trang bị đầu đạn hạt nhân W76-2 không chỉ là nhằm răn đe Nga mà còn các quốc gia hạt nhân khác. Nguồn: Xinhua.

Hãng thông tấn Tass của Nga cho rằng, việc sử dụng đầu đạn hạt nhân đương lượng nổ thấp và đầu đạn hạt nhân chiến lược về cơ bản là giống nhau, và hậu quả của một cuộc tấn công hạt nhân chống lại Nga sẽ là “không thể tưởng tượng được”.

Nhà phân tích quân sự Nga, đại tá về hưu Victor Baranets nhấn mạnh, người Mỹ coi vũ khí hạt nhân như vậy là “nhân đạo” hơn và các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân đương lượng nổ thấp sẽ giảm thiểu thiệt hại so với vũ khí hạt nhân chiến lược.

Nhưng Mỹ phải nhận thức rõ ràng rằng, Nga có khả năng trả đũa cuộc tấn công như vậy của Mỹ và Nga cũng có vũ khí hạt nhân chiến thuật tương tự.

Khi Mỹ phóng đầu đạn hạt nhân chiến thuật, hệ thống cảnh báo của Nga sẽ không thể phân biệt giữa đầu đạn hạt nhân chiến thuật và đầu đạn hạt nhân chiến lược. Do đó, kết quả của một chiến dịch đầy rủi ro của Mỹ có thể khiến Quân đội Nga tiến hành một cuộc phản công trả đũa quy mô lớn chống lại vũ khí hạt nhân chiến lược vào Mỹ.

Hải quân Mỹ trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật có thực sự răn đe được Nga? - Ảnh 5.

Quan điểm “vũ khí hạt nhân đương lượng nổ thấp có tính răn đe hơn” là một sai lầm của Mỹ. Nguồn: Xinhua.

Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng, quan điểm “vũ khí hạt nhân đương lượng nổ thấp có tính răn đe hơn” là một sai lầm, điều này không thể thay đổi tính nguy hiểm và sức tàn phá của vũ khí hạt nhân. Đầu những năm 1950, Mỹ bắt đầu phát triển đạn pháo hạt nhân, mìn hạt nhân, tên lửa hạt nhân tầm ngắn, rocket hạt nhân và bom hạt nhân.

Những vũ khí hạt nhân chiến thuật như vậy không mang lại an toàn cho Mỹ, bởi vì Liên Xô đã theo sát và đã phát triển một số lượng lớn vũ khí hạt nhân chiến thuật. Mỹ ngày nay phục hồi vũ khí hạt nhân chiến thuật đương lượng nổ thấp về cơ bản là một hành động răn đe hạt nhân không lý trí và có khả năng kích hoạt một cuộc đua vũ khí hạt nhân mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại