"Núi vàng" bị bỏ quên hay phế liệu quân sự?
Năm 2018, hàng loạt máy bay chiến đấu của Hải quân Hoa Kỳ đã không thể sẵn sàng chiến đấu do chờ đợi việc sản xuất các linh phụ kiện.
Tuy nhiên khi kiểm toán hải quân rà soát, họ phát hiện số linh phụ kiện này đã có sẵn trong một nhà kho. Và vấn đề quan trọng hơn là Hải quân thậm chí còn không biết có một nhà kho như vậy tồn tại.
Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ, ông Thomas Modly tiết lộ trong một hội nghị vào tuần trước:
"Không những chúng tôi không biết rằng các linh phụ kiện (máy bay) tồn tại, thậm chí chúng tôi còn không biết việc có một kho chứa chúng. Chúng được phát hiện trong cuộc kiểm toán trên phạm vi toàn cầu của hai lực lượng Hải quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ".
Nhà kho bị "quên lãng" của Hải quân Mỹ được phát hiện quá muộn khi F-14 Tomcat đã bị loại biên từ năm 2009.
Theo ông Modly, kho linh phụ kiện mới được phát hiện đã giúp các lực lượng vũ trang trên biển của Mỹ nhận ra vấn đề nghiêm trọng trong quá trình theo dõi tồn kho lâu nay.
Trong kho quân sự tại Jacksonville, Florida, các kiểm toán viên tìm thấy các bộ phận thay thế cho các máy bay chiến đấu F-14 Tomcat, các máy bay săn ngầm và trinh sát P-8 Poseidon và P-3 Orion có tổng trị giá khoảng 126 triệu USD.
Điều đáng chú ý là trong 3 loại máy bay nói trên, ngoài F-14 Tomcat và P-3 Orion đã bị loại biên, P-8 Poseidon vẫn là máy bay có giá trị trong việc trinh sát trên biển và săn ngầm, đặc biệt là trong các hoạt động đối đầu trên biển với lực lượng Hải quân Trung Quốc.
P-8A Poseidon của Hải quân Hoa Kỳ đối đầu với Trung Quốc năm 2015
Thông điệp của Hải quân "khớp" với Lầu Năm Góc ra sao?
"Khi họ đưa những linh phụ kiện đó bổ sung vào hệ thống, chỉ trong vài tuần đã có khoảng 20 triệu USD linh phụ kiện được sử dụng cho các máy bay hiện đang hỏng hóc", ông Modly nói tiếp.
"Theo dõi hàng tồn kho là một trong những thách thức lớn nhất của Bộ Hải quân Hoa Kỳ. Hải quân và Thủy quân lục chiến đang nỗ lực để phát triển một hệ thống theo dõi dữ liệu tốt hơn liên quan tới hàng tồn kho.
Đó là hàng tỷ USD và chúng tôi (Bộ Hải quân) đã tỏ ra vô có trách nhiệm. Chúng tôi cần phải khắc phục điều đó".
Đối với cách thức làm việc với các nhà cung cấp linh phụ kiện thay thế của Hải quân và Thủy quân lục chiến, ông Modly cho rằng cuộc kiểm toán cho thấy cách các nhà cung cấp làm việc thường "tránh né việc chỉ ra rằng các linh phụ kiện đó đã có sẵn".
"Họ biết rằng chúng tôi đã có chúng, nhưng không nói ra. Cần phải đưa họ vào một hệ thống (quản lý) để có thể kiểm toán. Chúng tôi đã áp đặt một số tiêu chuẩn cho họ trong năm 2019 để năm 2020 chúng tôi sẽ không gặp phải vấn đề tương tự.
Nếu Bộ Hải quân không thực hiện việc kiểm toán,chúng tôi sẽ không bao giờ hay biết biết vấn đề đó".
Trong một động thái liên quan tới vấn đề nói trên, mới đây Microsoft đã đánh bại đối thủ Amazon và được Tổng thống Mỹ Donald Trump trao cho một hợp đồng quân sự trị giá 10 tỷ USD được gọi là Cơ sở hạ tầng phòng thủ chung của Lầu Năm Góc (JEDI).
Cụ thể là Microsoft sẽ phải đại tu toàn bộ cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin của Lầu Năm Góc, tạo ra hệ thống điện toán đám mây trên toàn cầu.
Hệ thống phải được liên kết với việc nâng cấp hệ thống phòng thủ không gian mạng và được mã hóa.
Một trong những mục tiêu chính của Lầu Năm Góc đối với JEDI là việc áp dụng các công nghệ hiện đại nhất như trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hoạt động quân sự trong tương lai.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, việc nâng cấp hạ tầng CNTT được cho là sẽ giúp các lực lượng Hoa Kỳ trong việc kiểm soát tốt hơn cơ sở dữ liệu liên quan tới quân nhu và hậu cần.
Diễn tập tái chiếm đảo trong cuộc tập trận chung Mỹ -Philippines "Balikatan" tháng 4 năm 2019 (Bản quyền Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ).