"UAV MQ-25 hay T-1 đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên kéo dài 2 giờ với sự điều khiển của phi công thử nghiệm của hãng Boeing tại sân bay St. Louis, bang Mascoutah", thông cáo của hãng Boeing cho biết.
Trong chuyến bay thử đầu tiên, nguyên mẫu UAV MQ-25 đã hoàn thành 1 chuyến bay hoàn chỉnh với các khoa mục: Cất cánh, thực hiện một tuyến bay đã định sẵn và kết nối với trung tâm chỉ huy dưới mặt đất.
Dự kiến, nguyên mẫu UAV MQ-25 sẽ được nhận chứng chỉ bay của Mỹ (FAA) ngay trong cuối tháng 9-2019. Nếu quá trình thử nghiệm diễn ra thuận lợi, MQ-25 có thể gia nhập Hải quân Mỹ vào năm 2021.
UAV MQ-25 và thiết bị phóng, thu hồi nhỏ gọn để triển khai trên boong tàu sân bay. Ảnh: Boeing.
Theo đại diện Boeing, quá trình phát triển UAV MQ-25 đáp ứng yêu cầu của Hải quân Mỹ về nhu cầu máy bay tiếp liệu trên không. UAV này được thiết kế với mục đích kéo dài tầm hoạt động của các đơn vị máy bay chiến đấu hải quân trên hạm của Mỹ và giảm các nguy cơ đối với hạm đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ ở các vùng biển nguy hiểm.
Nhiều chuyên gia quân sự đánh giá, việc đưa vào trang bị UAV MQ-25 tiếp liệu trên hạm là bước tiến mới của Hải quân Mỹ. Với việc có thể chở theo tới gần 7 tấn nhiên liệu, UAV MQ-25 có thể giúp kéo dài tầm hoạt động của các đơn vị máy bay hải quân như F/A-18E/F, F-35C... thêm gần 700km.
Với sự giúp đỡ của UAV MQ-25, tầm hoạt động của các máy bay quân sự hải quân Mỹ sẽ được nối dài và hiệu quả hơn. Ảnh: Defense News.
Việc tiếp liệu trên không cũng trở nên an toàn hơn, khi được tự động hóa và giảm sự hiện diện của nhân viên quân sự.
Hải quân Mỹ thử nghiệm thiết bị không người lái tiếp liệu trên hạm
Hồi tháng 8-2018, Hải quân Mỹ và Boeing đã ký hợp đồng trị giá 805 triệu USD phát triển 4 nguyên mẫu UAV tiếp liệu trên không dựa trên cơ sở UAV MQ-25 Stingray. Cùng với việc bàn giao thiết bị bay, Boeing cũng chịu trách nhiệm thiết kế hệ thống phóng và thu hồi UAV trên hạm.