Trước đó, một phần của đơn vị UUVRON thuộc đơn vị thực nghiệm công nghệ hải quân DEVRON (Submarine Development Squadron) số 5, đóng quân tại căn cứ hải quân Kitsap, bang Washington.
DEVRON số 5 tồn tại trong khoảng 1 năm trước khi được giải tán để thành lập các đơn vị chuyên biệt mới. Với các công nghệ thu được khi thực nghiệm DEVRON số 5, Hải quân Mỹ kỳ vọng sẽ tạo ra các đơn vị tàu ngầm không người lái thực hiện nhiệm vụ chiến đấu từ năm 2020.
Một số chương trình phát triển UUV hiện nay của Hải quân Mỹ. Trong ảnh: UUV Hydra (ảnh trên) và Echo Voyager (ảnh dưới).
DEVRON được thành lập theo khuôn khổ "Chiến lược bổ sung lực lượng giai đoạn 3", Quân đội Mỹ xác định với chiến lược mới có thể áp dụng các công nghệ và kỹ thuật mới nhất để giành lợi thế trên chiến trường. Theo đó, Lầu Năm góc đã chi khoảng 600 triệu USD cho các chương trình phát triển tàu ngầm không người lái.
Hiện tại, Mỹ là một trong những quốc gia đi đầu trong việc phát triển các phương tiện lặn không người lái (UUV). Lầu Năm góc theo đuổi các chương trình phát triển UUV là để đảm bảo ưu thế về công nghệ lặn và tàu ngầm so với các quốc gia khác trên thế giới.
Đây là một phần trong chiến lược của Hải quân Mỹ nhằm đối phó với lực lượng tàu ngầm đang phát triển mạnh mẽ của các quốc gia đối địch.
Chuyên gia Arthur Holland Michel, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về thiết bị không người lái thuộc Đại học Bard, cho biết: "Nga và Trung Quốc đã có những bước tiến dài trong lĩnh vực tàu ngầm, trong khi đó công nghệ chống ngầm của Mỹ dường như đang dậm chân ở 30 năm trước".