Hải quân Mỹ mắc kẹt trong trận hải chiến lớn nhất

Tiến Thành |

Trong nhiều năm xây dựng Hải quân để đối phó với đối thủ ngang hàng như Nga và Trung Quốc, giờ đây Mỹ lại mắc kẹt với cuộc chiến với Houthi tại Yemen.

Theo War Zone, chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Houthi trở thành trận hải chiến dữ dội nhất mà hải quân nước này đối mặt từ sau Thế chiến II.

Hải quân Mỹ đặt mục tiêu giữ tuyến đường biển đi qua khu vực gần Yemen thông suốt trước các đợt tập kích của Houthi.

Lực lượng Houthi từng chỉ có súng trường tấn công và xe bán tải, song giờ sở hữu kho vũ khí khổng lồ với nhiều loại phương tiện bay không người lái (drone) và tên lửa.

Houthi bắt đầu tập kích tàu hàng đi qua Biển Đỏ từ tháng 11/2023, tuyên bố đây là hành động bày tỏ đoàn kết với người dân Palestine tại Dải Gaza trong chiến dịch quân sự của Israel.

Loạt vụ tấn công diễn ra gần như mỗi ngày khiến lượng hàng qua Biển Đỏ sụt giảm, đồng thời cho thấy khả năng xung đột leo thang khiến chiến hạm, tàu hàng của Mỹ và đồng minh gặp nhiều rủi ro hơn.

"Tôi không nghĩ mọi người thật sự hiểu được mức độ nghiêm trọng chết người trong hoạt động của chúng tôi, cũng như việc các con tàu ngày càng bị đe dọa", trung tá Eric Blomberg, chỉ huy khu trục hạm USS Laboon, cho biết.

"Chỉ cần một sai lầm, chỉ cần Houthi vượt qua lớp phòng thủ một lần thôi", trung tá Mỹ cho biết thêm.

Chiến hạm Laboon khai hỏa đánh chặn drone, tên lửa của Houthi nhiều đến mức lớp sơn quanh ống phóng tên lửa đã cháy sém.

Thủy thủ đoàn đôi khi chỉ có vài giây để xác nhận Houthi đã phóng tên lửa, liên lạc với các tàu khác để đánh chặn loạt quả đạn đang bay tới với tốc độ gần bằng hoặc vượt vận tốc âm thanh.

Đại tá David Wroe, chỉ huy nhóm khu trục hạm, cho biết: "Điều này diễn ra mỗi ngày, mỗi ca trực. Nhiều chiến hạm của chúng tôi đã bám trụ ở đây hơn 7 tháng để làm điều này".

Hôm 9 tháng 1, khu trục hạm Laboon cùng các chiến hạm khác và tiêm kích F/A-18 từ tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower hạ 18 drone, hai tên lửa hành trình chống hạm và một tên lửa đạn đạo của Houthi.

Lực lượng dân quân tại Yemen này phóng drone, tên lửa gần như mỗi ngày vào các mục tiêu trên Biển Đỏ, vịnh Aden và eo biển Bab el-Mandeb. Tần suất tập kích chỉ phần nào giảm trong tháng lễ Ramadan từ ngày 10/3 đến 9/4.

Mỹ từng tham gia các trận đánh trong Chiến tranh Tàu dầu giữa Iran và Iraq, diễn ra tháng 2/1984-8/1988, song phần lớn phương tiện trúng thủy lôi trong cuộc xung đột này. Các đợt tập kích của Houthi gần đây là đòn đánh trực tiếp nhằm vào tàu hàng và chiến hạm.

Chuyên gia Bryan Clark tại Viện Hudson ở Mỹ, nhận định: "Đây là trận đánh kéo dài nhất mà Hải quân Mỹ tham gia kể từ Thế chiến II cho đến nay.

Houthi thời gian tới có thể thực hiện đòn tấn công mà Mỹ không thể đánh chặn toàn bộ, dẫn tới thiệt hại đáng kể. Nếu điều này tiếp diễn, lực lượng dân quân sẽ có thêm nhiều năng lực và kinh nghiệm tác chiến".

Chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay Eisenhower, Chuẩn đô đốc Marc Miguez, cho rằng: "Iran không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn cả thông tin tình báo cho Houthi. Chúng tôi biết chắc chắn các thành viên Houthi đã được huấn luyện để nhắm mục tiêu vào chiến hạm Mỹ và tàu hàng".

Chuẩn đô đốc Mỹ cho biết thêm, rủi ro mà Hải quân Mỹ đối mặt trong chiến dịch đối phó với Houthi không chỉ nằm trên biển. Mỹ tổ chức hoặc phối hợp với đồng minh tấn công vị trí Houthi tại Yemen, trong đó có các trạm radar, trận địa tên lửa và kho vũ khí.

Không đoàn tàu sân bay Eisenhower đã thả hơn 350 quả bom và phóng 50 tên lửa trong các chiến dịch nhằm vào Houthi, theo đại tá Marvin Scott. Trong khi đó, lực lượng Houthi bắn hạ nhiều máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Mỹ bằng tên lửa phòng không.

"Hải quân Mỹ đã làm suy yếu đáng kể lực lượng phòng không của Houthi, song chưa thể đánh bại hoàn toàn. Chúng tôi luôn sẵn sàng cho tình huống bị Houthi bắn hạ", đại tá Scott thừa nhận.

Một số chỉ huy Mỹ phàn nàn rằng tại sao hải quân Mỹ không tấn công Houthi mạnh hơn.

Giới chuyên gia cho rằng, Mỹ có thể không muốn leo thang căng thẳng với Iran, đặc biệt sau khi nước này mở đợt tập kích bằng tên lửa và UAV lớn chưa từng có nhằm vào Israel, cũng như đang làm giàu uranium ngày càng gần cấp độ vũ khí.

Cùng với đó, bản chất của lực lượng Houthi cũng khiến hải quân Mỹ không thể mạnh tay. Xung đột giữa Houthi và liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu, vốn hậu thuẫn chính phủ Yemen được nhiều nước công nhận, đang trong thế bế tắc.

Điều đặc biệt là trong lúc Hải quân Mỹ và châu Âu tổ chức nhiều chuyến tuần tra trên biển thì Saudi Arabia gần như cố gắng im lặng khi tìm kiếm thỏa thuận hòa bình với Houthi.

Trong khi đó, một số quốc gia đồng minh trong khu vực đã đề nghị Mỹ không phát động đòn tấn công Houthi từ căn cứ trên lãnh thổ của họ, khiến hầu hết các cuộc tấn công của Mỹ phải dựa vào biên đội tác chiến tàu sân bay Eisenhower.

Hải quân Mỹ buộc phải gia hạn triển khai tàu Eisenhower tại Trung Đông, dù con tàu chỉ mới cập cảng một lần để tiếp tế sau vụ tấn công hồi tháng 10/2023 của Hamas vào Israel.

Báo Mỹ cho rằng, tất cả những yếu tố trên đang khiến Hải quân nước này phải đối mặt với trận chiến được coi là khó khăn nhất trong nhiều năm qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại