Một quan chức Mỹ giấu tên hôm 7-5 dựa trên thông tin tình báo cho biết, Iran đã di chuyển các tên lửa tầm ngắn bằng xuồng ra vùng biển ngoài khơi nước này.
Động thái trên bị cáo buộc là một trong những dấu hiệu cho thấy Iran có thể đang cân nhắc hoặc đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng Mỹ trong khu vực.
Vị quan chức không nói rõ liệu những chiếc xuồng chở tên lửa có ẩn chứa sức mạnh quân sự mới mà Iran sẽ dùng để chống lại các lực lượng Mỹ hay chỉ đơn thuần là được chuyển đến các vị trí cất trữ trên bờ biển.
Mặc dù vậy đây vẫn là động thái cực kỳ đáng chú ý của Iran và đã khiến Mỹ cảm thấy "bị đe dọa" và không thể bỏ qua, cần có động thái đáp trả tương xứng.
Theo bộ tư lệnh trung tâm Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln cùng đội hộ tống gồm 1 tàu tuần dương Ticonderoga và 4 tàu khu trục Arleigh Burke đang thẳng tiến tới Trung Đông.
Trong diễn biến liên quan mới nhất, kênh truyền hình CBS ngày 7/3 đưa tin, Lầu Năm Góc xác nhận sẽ triển khai thêm 4 máy bay ném bom chiến lược B-52 tới căn cứ al-Udeid Air gần thủ đô Doha của Qatar.
Lực lượng cực lớn của không quân và hải quân Mỹ dồn về khu vực xung quanh vịnh Ba Tư theo thông báo là để ngăn chặn Iran thực hiện các đòn tấn công nhằm vào lực lượng quân sự Mỹ tại đây.
Động thái trên được CENTCOM gấp rút triển khai dựa trên những đánh giá về các dấu hiệu rõ ràng cho thấy Iran và lực lượng ủy nhiệm của Tehran đang tiến hành các hoạt động chuẩn bị để bất ngờ tập kích quân đội Mỹ.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton tuyên bố, cả hai hoạt động triển khai trên là lời đáp trả trước một loạt những dấu hiệu và cảnh báo liên quan tới khả năng tấn công từ Iran.
Những dấu hiệu trên làm nhiều người nhớ lại trận hải chiến diễn ra năm 1988 giữa hải quân Mỹ và Iran trên vịnh Ba Tư nhằm ngăn chặn việc Tehran rải thủy lôi phong tỏa đường biển.
Hải quân Mỹ khi đó đã tung vào trận tuần dương hạm USS Wainwright (CG-28) lớp Belknap và khinh hạm USS Simpson (FFG-56) lớp Oliver Hazard Perry.
Về phía hải quân Iran, họ triển khai các chiến hạm nhỏ lớp Kaman, đây nguyên gốc là tàu tên lửa tấn công nhanh Type 148 của hải quân Đức, sau đó được Pháp sản xuất dưới tên gọi La Combattante IIa.
Trong trận hải chiến này có một điều rất đặc biệt đã xảy ra, đó là thay vì dùng tên lửa chống hạm Harpoon thì tàu chiến Mỹ lại sử dụng tên lửa phòng không cho vai trò chống hạm.
Trong cuộc đụng độ trên, USS Simpson đã phóng 4 tên lửa RIM-66 Standard MR còn USS Wainwright phóng 2 tên lửa RIM-67 Standard ER vào chiếc Joshan lớp Kaman.
Cuộc tấn công bằng tên lửa phòng không của tàu chiến Mỹ đã phá hủy phần thượng tầng của chiến hạm Iran, tuy nhiên do trọng lượng khá nhỏ và kết cấu nổ phá mảnh của đầu đạn mà tàu Iran đã không bị đánh chìm.
Sở dĩ hải quân Mỹ đưa ra lựa chọn trên là do nhờ các ưu thế như giá thành rẻ hơn tên lửa chống hạm và thời gian phản ứng rất nhanh, Standard Missile tỏ ra đặc biệt hữu hiệu khi chống lại các tàu tấn công nhanh cỡ nhỏ.
Chưa cần dùng tới vũ khí chuyên dụng nhưng trong cuộc hải chiến năm đó hải quân Mỹ đã buộc Iran phải hủy bỏ kế hoạch rải thủy lôi phong tỏa vịnh Ba Tư.
Do vậy chắc chắn Tehran vẫn nhớ lịch sử trận đối đầu trong quá khứ để có bước đi phù hợp hơn khi phải đối đầu lực lượng Mỹ mạnh hơn về mọi mặt.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-hai-quan-iran-tung-that-bai-nang-ne-khi-doi-dau-my-ngay-tren-vinh-ba-tu/809748.antd