Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Bill Merz – Chỉ huy hạm đội lớn nhất được triển khai trên tuyến đấu của Hải quân Mỹ, đã đến thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và trò chuyện với các thủy thủ.
"Có rất nhiều sự lo lắng về virus corona trên tàu. Và bạn có thể tưởng tượng được tinh thần của các thủy thủ hiện giờ sau những gì đã trải qua", ông Merz cho biết.
Ông Merz thẳng thắn thừa nhận, tinh thần của một số thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các sự kiện gần đây.
Tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt hiện đang neo đậu ở Guam. Trong thời gian qua, con tàu này phải đối mặt với một loạt vấn đề, trong đó có việc dịch COVID-19 bùng phát trên tàu và chỉ huy tàu - ông Brett Crozier bị cách chức.
Hôm 2/4, ông Crozier đã bị quyền Bộ trưởng Hải quân lúc đó là ông Thomas Modly cách chức sau khi ông này gửi một bức thư email dài 4 trang đến cho hơn 20 người, cảnh báo về tình trạng virus corona đang lây lan trên tàu.
Bức thư cuối cùng bị rò rỉ cho tờ báo San Francisco Chronicle và nó đã được công khai trên báo chí.
Không rõ bằng cách nào bức thư đến được tay báo chí nhưng giới lãnh đạo của Lực lượng Hải quân Mỹ cho biết họ gần đây đã hoàn tất cuộc điều tra về vấn đề này.
Ông Modly đã xem xét kỹ quyết định của ông Crozier khi gửi thư email cho một nhóm thủy thủ và cáo buộc chỉ huy tàu sân bay USS Theodore Roosevelt không thực hiện nguyên tắc điều hành thống nhất trong Hải quân. Trong bài phát biểu kéo dài 15 phút bị rò rỉ ra bên ngoài, ông Modly đã chỉ trích gay gắt cấp dưới của mình.
Ông Modly đã nói với các thủy thủ trên tàu sân bay Theodore Roosevelt rằng, việc để báo chí có trong tay lá thư nếu không phải là hành động cố tình thì cũng là một sự vi phạm và rằng ông Crozier "quá ngây thơ và quá ngu ngốc để có thể giữ vai trò sĩ quan chỉ huy trên một con tàu như thế này".
Ông Modly miêu tả bức thư của ông Crozier là "sự phản bội lòng tin" và rằng tin về việc chiếc tàu sân bay nhiễm đầy virus đã gây phiền não cho chính quyền ở Guam - nơi còn tàu đang neo đậu.
Sau sự việc trên, ông Modly đã phải lên tiếng xin lỗi về những phát biểu của mình và đã đệ đơn xin từ chức hồi đầu tuần trước.
Ông Crozier – người được nhiều thủy thủ trên tàu sân bay và nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ ca ngợi là một vị chỉ huy nhân từ, đã được xét nghiệm dương tính với virus corona. Khi ông Crozier rời tàu, hàng chục thủy thủ trên tàu đã đến chia tay và cổ vũ ông.
Ông Merz – người đã xem những video clip về cuộc chia tay gây chú ý của các thủy thủ với chỉ huy tàu của họ - ông Brett Crozier, cho hay phản ứng ngay lúc đó của ông là ý nghĩ "công việc sẽ trở nên khó khăn hơn với chúng tôi".
Ông Merz bày tỏ, ông tin rằng, "động cơ" của chỉ huy tàu sân bay Crozier là "hoàn toàn đơn thuần" khi ông ấy gửi bức thư của mình đi và rằng "ông ấy đang tìm sự giúp đỡ cho các thủy thủ của ông ấy."
Theo lời ông Merz, các thủy thủ trên tàu sân bay "đang chật vật đối phó với tình hình sau khi mất đi sĩ quan chỉ huy tàu và họ tin rằng họ thiếu các hoạt động liên quan đến việc chống lại virus corona."
Hơn 2.300 trong số 4.800 thủy thủ trên tàu sân bay của Mỹ đang được sơ tán và nhiều trong số họ đang được cách ly trong những khách sạn ở Guam. Hơn 445 thủy thủ có kết quả dương tính với virus corona tính đến ngày thứ Sáu vừa rồi (10/4).
Hôm 10/4, Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi nhận hơn 2.000 người tử vong vì virus corona chỉ trong vòng 24 giờ. Có thể thấy, Mỹ đang là nước phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19.