Một trong những “huyết mạch” của thế giới
Lễ khai trương kênh đào Suez ngày 17-11-1869 đã thay đổi vĩnh viễn giao thương giữa châu Âu, đặc biệt là giữa Anh và Pháp, đối với phương Đông trù phú thời bấy giờ.
Kênh đào cung cấp một lối tắt giúp tàu thuyền có thể đi thẳng từ Biển Đỏ và Địa Trung Hải, thay vì phải vòng qua cực Nam châu Phi như trước.
Nhờ sự “nắn dòng” lưu thông hàng hóa này, chỉ riêng việc thu phí đi qua kênh đào cũng trở thành nguồn thu lớn cho quốc gia sở hữu kênh.
Sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác dầu khí tại Trung Đông sau này lại càng khiến “nút thắt cổ chai” giữa phương Đông và phương Tây trở thành tối quan trọng, giúp thỏa mãn nhu cầu năng lượng của các bộ máy kinh tế lớn.
Mặc dù có vị trí chiến lược như vậy, trong 87 năm liền Ai Cập lại được hưởng lợi rất ít từ kênh đào Suez trên lãnh thổ của mình. Nhà cầm quyền Ai Cập lúc đó, vương triều Pasha, đã phải vay mượn các ngân hàng ở Anh và Pháp để có kinh phí xây dựng kênh đào.
Sau khi hoàn thành, quyền quản lý kênh đào Suez lại rơi vào tay tư bản Pháp. Khoản nợ khổng lồ còn mở đường giúp thực dân Anh, Pháp chi phối Ai Cập, dẫn tới năm 1882, Anh chính thức đô hộ đất nước kim tự tháp.
Đến năm 1956, 4 năm sau cuộc đảo chính chấm dứt nền quân chủ chuyên chế ở Ai Cập, Tổng thống Gamal Abdel Nasser đã thực hiện quốc hữu hóa kênh đào Suez.
Nước đi này nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Ai Cập, vốn coi việc người phương Tây kiểm soát kênh đào là nỗi hổ thẹn của quốc gia. Ngay sau đó, liên quân Anh, Pháp và Israel đã tiến hành chiến dịch quân sự nhằm chiếm lại kênh đào, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng Suez.
Trước sức ép của quốc tế, Anh, Pháp phải rút quân khỏi Ai Cập và quyền sở hữu kênh đào thuộc về Cairo. Ai Cập có trong tay một trong những “huyết mạch” của thế giới, nhưng luôn ở trong tình trạng bất ổn kể từ đó đến nay.
Giai đoạn đầu của một hải quân hiện đại
Tầm quan trọng chiến lược của kênh đào Suez cùng nguồn tài nguyên dầu khí ở Địa Trung Hải khiến hải quân Ai Cập có trọng trách lớn, bảo vệ lợi ích quốc gia trong môi trường giao thông hàng hải phức tạp.
Không những thế, do vị trí láng giềng với Israel của người Do Thái, vốn có lịch sử xung đột với người Arab từ xa xưa, lại tiếp giáp vùng Sừng châu Phi bất ổn, cướp biển hoành hành, hải quân Ai Cập có địa bàn hoạt động trải dài từ châu Âu đến Trung Đông, với kênh đào Suez và bán đảo Sinai là “nút thắt cổ chai” chiến lược.
Năm 1948, hải quân Ai Cập chỉ có một số tàu chiến cũ, gặp thất bại nặng nề trước liên quân Israel, Anh và Pháp. Do đó, sau khi nhà vua thoái vị, chính quyền của Tổng thống Gamal Nasser đã đẩy mạnh trang bị cho hải quân bằng tàu chiến từ Liên Xô.
Đến năm 1967, hạm đội mới dưới thời Gamal Nasser gây chấn động khi đánh chìm tàu khu trục “Eliat” của Israel bằng hai tàu tên lửa lớp Komar mua từ Liên Xô.
Cuộc đụng độ đã cho thấy tiềm năng to lớn của tên lửa đối hạm, từ đó thay đổi các học thuyết tác chiến hải quân trên toàn thế giới. Đối với Ai Cập, chiến công đánh chìm tàu Eliat đã định hình việc xây dựng hải quân nước này nhiều năm sau đó.
Các tàu tên lửa cỡ nhỏ, tốc độ cao có xuất xứ từ Liên Xô và Trung Quốc trở thành “xương sống” của hải quân Ai Cập.
“Xoay trục” sang phương Tây
Năm 1973, Ai Cập lại gặp thất bại quân sự trước Israel trong chiến tranh Yom-Kippur. Diễn biến này dẫn tới việc người kế nhiệm Gamal Nasser, Tổng thống Anwar Sadat ký kết hiệp định hòa bình với Israel tại Mỹ vào năm 1978.
Hiệp định được coi là thắng lợi chính trị lớn cho Ai Cập khi giành lại toàn bộ bán đảo Sinai, tuy nhiên gây ra xung đột với các nước Arab khác do Cairo chấp nhận hòa bình với nhà nước Do Thái.
Hiệp định đánh dấu sự thay đổi căn bản về chính sách đối ngoại của Ai Cập, giờ đây ngả về Mỹ và phương Tây. Từ đó đến nay, Ai Cập nhận được tiền viện trợ quân sự hàng năm từ Mỹ với điều kiện sử dụng khoản viện trợ đó để mua vũ khí Mỹ.
Trong giai đoạn 1980-1990, hải quân Ai Cập tiếp nhận 4 khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry và hai khinh hạm lớp Knox, chuyển giao từ biên chế Hải quân Mỹ. Các tàu này đều có giãn nước trên 4000 tấn, hơn nhiều lần các tàu tên lửa cỡ nhỏ.
Nhờ đó, hải quân Ai Cập có thể tác chiến xa hơn so với khu vực quanh kênh đào Suez. Lực lượng không quân hải quân Ai Cập cũng được tăng cường trong thời gian này với hàng loạt trực thăng chống ngầm và máy bay cảnh báo sớm trên không của Mỹ.
Lực lượng tuần duyên Ai Cập, vốn chịu trách nhiệm chính tuần tra và hộ tống tàu thuyền dọc kênh đào Suez cũng đươc chú trọng hiện đại hóa.
Ngoài việc duy trì hoạt động các tàu pháo mua từ Liên Xô và Trung Quốc, lực lượng này đã tiếp nhận hàng chục tàu tuần tra các loại từ Mỹ, đồng thời tự thiết kế và đóng thêm 22 tàu tuần tra cao tốc lớp Timsah.
Về tổng thể, giai đoạn 1980-1990 chứng kiến hải quân Ai Cập phát triển thành lực lượng hải quân đông đảo nhất Trung Đông.
Tự chủ và đa dạng hóa
Nhu cầu vận tải hàng hóa, đặc biệt là dầu khí qua kênh đào Suez tăng dần theo từng năm dẫn tới việc toàn bán đảo Sinai luôn có “sức nóng” mãnh liệt trên bàn cờ địa chính trị thế giới.
Kể từ sau khi giành lại quyền kiểm soát vào năm 1973, chính phủ Ai Cập luôn phải đối phó với các nhóm phiến quân trên bán đảo Sinai, đe dọa sự an toàn của tàu bè đi qua kênh đào Suez. Mật độ tàu thuyền lớn cũng khiến kênh đào, vốn chỉ có một làn đường thủy cho tàu qua lại.
Nếu một tàu đủ lớn bị chìm trên kênh đào, nguy cơ tắc nghẽn giao thông là rất cao, ảnh hưởng đến kinh tế toàn thế giới.
Do đó, kể từ năm 1970, đã có những đề xuất lên chính phủ Ai Cập về việc mở rộng kênh đào Suez.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế và những biến cố chính trị, phải đến năm 2014, chính quyền của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi mới tuyên bố khởi động siêu dự án “Khu vực hành lang kênh đào Suez”, theo đó đào một dòng kênh mới song song với kênh đào cũ.
Ban quản lý kênh đào tuyên bố, kênh đào mới sẽ giúp tàu thuyền đi theo hai chiều, giảm thời gian đợi và thời gian di chuyển, từ đó tăng doanh thu từ hơn 5 tỷ USD hiện nay lên 12,5 tỷ USD vào năm 2023.
Được thi công bởi quân đội Ai Cập, kênh đào mới được hoàn thành với thời gian kỷ lục một năm và khánh thành vào ngày 6-8-2015.
Để chuẩn bị cho kênh đào Suez mới này, từ trước đó vài năm, quân đội Ai Cập đã lên kế hoạch mua sắm thêm nhiều tàu chiến hiện đại cho hải quân. Một ngày sau khi khánh thành kênh đào, Cairo đã ký kết hợp đồng mua hai tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral từ Pháp.
Hai tàu này vốn được đóng cho hải quân Nga nhưng không được chuyển giao do vụ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Với thương vụ này, hải quân Ai Cập trở thành lực lượng đầu tiên tại Trung Đông có tàu đổ bộ trực thăng, trở thành các soái hạm cho hai hạm đội mà nước này thành lập ở hai đầu kênh đào Suez.
Các biến động mới về địa chính trị cũng khiến Ai Cập xích gần hơn với Nga.
Từ những năm 1950, lực lượng phòng không-không quân Ai Cập được tổ chức theo mô hình của Liên Xô và ưa chuộng trang bị Liên Xô (Nga) hơn, mặc dù hải quân và lục quân đang chuyển đổi sang mô hình của Mỹ và châu Âu.
Do đó, hải quân Ai Cập hoạt động dưới ô phòng không của các loại khí tài đến từ Nga. Năm 2015, Ai Cập đã ký hợp đồng mua 46 tiêm kích MiG-29M/M2 của Nga và đã bày tỏ quan tâm tới tiêm kích MiG-35 và Su-35.
Phi đội trực thăng trên hai tàu Mistral bao gồm các trực thăng tấn công Ka-52K, trực thăng săn ngầm Ka-27 và phiên bản vận tải Ka-29 cũng do Nga cung cấp.
Để hộ tống cho hai soái hạm, Ai Cập tiếp tục lựa chọn những tàu chiến thế hệ mới đến từ Pháp. Năm 2014, Ai Cập đặt hàng 4 tàu hộ vệ tên lửa Gowind 2500 từ Pháp.
Sau khi nhận tàu đầu tiên đóng tại Pháp, ba tàu tiếp theo sẽ được đóng tại nhà máy đóng tàu Alexandria tại Ai Cập theo chuyển giao công nghệ, trở thành các tàu hộ vệ cỡ lớn đầu tiên đóng tại nước này.
Hải quân Ai Cập đã đưa vào hoạt động tàu hộ vệ Gowind 2500 đầu tiên vào năm 2017 và sẽ biên chế đầy đủ 4 tàu vào năm 2020.
Ngày 16-2-2015, hải quân Ai Cập đặt hàng một tàu hộ vệ đa năng FREMM từ Pháp, nhưng ra điều kiện chuyển giao trước ngày khánh thành kênh đào Suez mới. Để đáp ứng, Pháp đã lấy tàu “Normandie”, dự kiến đóng cho hải quân nước này để chuyển giao cho phía Ai Cập.
Sau khi trải qua một số điều chỉnh về trang thiết bị để phù hợp xuất khẩu, tàu “Normandie” được đổi tên thành “Tahya Misr” và chính thức đi vào biên chế hải quân Ai Cập ngày 23-6-2015.
Đội tàu tên lửa cỡ nhỏ của hải quân Ai Cập cũng được tăng cường đáng kể, hiện nay có tới hơn 45 tàu từ nhiều quốc gia khác nhau, từ Liên Xô (trước kia), Nga, Anh, Pháp, Đức và Mỹ.
Khả năng tác chiến chống hạm của hải quân Ai Cập tiếp tục được củng cố sau khi tiếp nhận 4 tàu ngầm lớp 209 do Đức thiết kế trong giai đoạn từ 2015-2017. Theo một số báo cáo, các tàu ngầm này có thể phóng tên lửa đối hạm Harpoon của Mỹ.
Ngoài việc mua sắm, Ai Cập cũng đổ nguồn lực đáng kể vào việc xây dựng các căn cứ hải quân mới.
Đến cuối năm nay, Cairo sẽ hoàn thiện ba cảng quân sự lớn ở Gargoub, Port Said và Ras Banas. Vị trí của các căn cứ này thể hiện rõ nhất chiến lược mở rộng vùng ảnh hưởng của Cairo ra Địa Trung Hải và Biển Đỏ.
Căn cứ Gargoub ở gần biên giới với Libya sẽ giúp Ai Cập kiểm soát tốt hơn vùng biển giáp ranh quốc gia láng giềng đầy bất ổn này.
Căn cứ ở Port Said, cửa vào kênh đào Suez từ Địa Trung Hải đóng vai trò chiến lược giúp hải quân kiểm soát kênh đào, bán đảo Sinai và các mỏ dầu khí mới được phát hiện ở phía Đông Địa Trung Hải.
Còn ở phía Nam, căn cứ ở Ras Banas sẽ cung cấp chỗ đứng cho hải quân Ai Cập tại Biển Đỏ, cửa ngõ ra Ấn Độ Dương.
Trước khi đến kênh đào Suez, tuyến đường thương mại trên Biển Đỏ đi qua vùng Sừng châu Phi và Yemen đầy bất ổn.
Các nước Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Nhật Bản đều thiết lập hiện diện vĩnh viễn tại đây, khiến Ai Cập cũng phải củng cố hạm đội của mình tại Biển Đỏ để thích ứng với tình hình phức tạp trong khu vực.
Từ thời cổ đại đến nay, Ai Cập có ảnh hưởng lớn đến những diễn biến về chính trị và an ninh của cửa ngõ từ châu Á sang châu Âu.
Những động thái về việc xây dựng một lực lượng hải quân quy mô lớn, tầm hoạt động xa nói trên xuất phát từ chiến lược dài hơi của Cairo nhằm trở thành cường quốc hàng hải trong khu vực. Kênh đào Suez và hải quân mạnh sẽ là hai lợi thế quan trọng giúp Ai Cập trỗi dậy.