Tờ Die Welt (Đức) ngày 13/12 bình luận, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày càng thể hiện mạnh mẽ cá tính của mình trong chính sách đối ngoại, nhưng không thể nói rằng, ông đã giúp cho nền kinh tế Nga phát triển trong những năm qua.
Ở mức độ nào đó, những chiêu trò trong chính sách đối ngoại của ông thậm chí còn khiến cho nền kinh tế phải gánh chịu nhiều hậu quả.
Trước tiên, lệnh cấm nhập khẩu nông sản được áp dụng để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đánh mạnh vào các doanh nghiệp Nga. Thêm vào đó, Nga đã bỏ ra nhiều năm để tìm kiếm những tiền đề nhằm xây dựng một mô hình phát triển kinh tế trên nền tảng đầu tư thay vì phụ thuộc vào dầu mỏ.
Từ mùa hè năm 2014, giá dầu thế giới lao dốc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga năm 2014 chỉ đạt 0.6%. Năm 2015, tăng trưởng GDP giảm 3.7%, và hiện giờ - giảm khoảng 0.6%. Trong năm nay, thâm hụt ngân sách dự kiến chiếm khoảng 3.7% GDP.
Trong bối cảnh đó, những nước cờ bất ngờ mới đây được ông Putin và các cộng sự đưa ra, giúp Nga giành được hàng tỷ euro là điều rất đáng quan tâm.
Hai nước cờ thông minh trong vòng một tuần đã giúp Nga xoay chuyển được tình thế khó khăn. Putin đã giúp bản thân có đủ thời gian để từ nay cho tới cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2018 vượt qua được sự trì trệ trong cuộc cải cách của mình.
Bán Rosneft giúp xử lý vấn đề thâm hụt ngân sách
Nước cờ thứ nhất là cổ phần hóa một phần doanh nghiệp dầu mỏ lớn nhất trong nước – Rosneft.
Sau vài tháng đầy rẫy những vấn đề phức tạp, thậm chí khiến cả Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Alexei Ulyukayev bị bắt giam, thì đến ngày 8/12, 19.5% cổ phần của Rosneft đã được bán cho công ty kinh doanh khoáng sản Glencore của Thụy Sĩ và cho Qatar.
Nhờ 10.5 tỷ euro có được từ thỏa thuận nói trên, thâm hụt ngân sách của Nga ít nhất sẽ không bị vượt khỏi ngưỡng 3.7% GDP.
Theo thông báo của tổng giám đốc Rosneft, ông Igor Sechin, làn sóng cổ phần hóa trong lĩnh vực dầu khí năm nay sẽ mang lại cho ngân sách nhà nước Nga thêm 15.1 tỷ euro. Vào đầu mùa thu vừa qua, Rosneft đã mua 50% cổ phần công ty dầu mỏ lớn thứ 6 của Nga là Bashneft, tương đương 4.8 tỷ euro.
Tổng thống Putin rất nổi tiếng với việc trong vòng 10 năm ông đã tăng gấp đôi tỷ trọng của lĩnh vực kinh tế nhà nước trong nền kinh tế Nga, lên tới 70%.
Ông không chỉ cương quyết thực hiện những bước đi đầu tiên trong tiến trình cổ phần hoá, mà nước Nga dưới bàn tay của ông, lần đầu tiên đã ủng hộ quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đưa ra. Và đây chính là nước cờ bất ngờ thứ hai.
Các công nhân tại khu tổ hợp công nghệ trung tâm của Rosneft (nguồn: REUTERS, Sergei Karpukhin)
Thoả thuận chiến lược với các nước OPEC
Như một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất không nằm trong tổ chức OPEC, Nga sẽ giảm sản lượng khai thác 300.000 thùng dầu thô/ngày trong nửa đầu của năm 2017, trong khi các nước thành viên OPEC sẽ cắt giảm tổng cộng 1.2 triệu thùng dầu thô/ngày. Cách đây không lâu, sản lượng khai thác dầu thô của Nga từng đạt con số kỷ lục 11.2 triệu thùng/ngày.
Các nhà thương thuyết của Nga nhấn mạnh rằng, Putin tích cực thúc đẩy ký kết thỏa thuận giữa OPEC và các nhà xuất khẩu dầu mỏ khác. Vài tháng trước quyết định của OPEC đưa ra hồi cuối tháng 11, đã xuất hiện thông tin từ Nga về những cuộc đàm phán liên quan tới giá dầu.
Từ đầu tháng 12, dầu thô Brent của Biển Bắc được bán với giá gần 55 USD/thùng, tăng hơn 15%. Mức giá này, theo nghiên cứu của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, được dự đoán sẽ giữ nguyên trong trung hạn. Còn trong ngắn hạn, nó có thể đạt mốc 60 USD/thùng.
Đây là mức giá mà trước đó không lâu từng là không tưởng, sẽ mang lại cho Nga những nguồn thu đáng kể. Với mức 55 USD, theo dự báo của Bộ Tài chính Nga và các ngân hàng đầu tư, ngân sách Nga có thể sẽ được bổ sung thêm 1.2 nghìn tỷ rúp, tương đương 18 tỷ USD.
Hạn chế chi tiêu cho 3 năm
Hiện nay, kế hoạch ngân sách năm 2017 của Nga được xây dựng dựa trên mức giá dầu thô tương đương 40 USD/thùng. Nga lo ngại rằng, nếu không đạt được thỏa thuận với OPEC thì giá dầu có thể rớt xuống mức dưới 40 USD, và điều đó có thể gây ra những hậu quả khó lường trong giai đoạn một năm trước khi cuộc bầu cử tổng thống Nga diễn ra.
Ngân hàng đầu tư Uralsib (Nga) cho biết, nếu như chi ngân sách không tăng, thì cùng với việc giá dầu tăng, ngân sách sẽ được cân đối vào năm 2018.
Như vậy, trong vòng 3 năm, Nga phải giữ được chi ngân sách ở mức 15.8 nghìn tỷ rúp. Có đạt được nhiệm vụ này vào năm 2018 hay không trên cơ sở cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra cùng thời điểm, đương nhiên, là điều khó đoán. Nhưng trước hết, Putin đã đảm bảo cho mình cả thời gian lẫn tiền bạc.
Bằng Rosneft, Putin còn chứng minh được rằng các nước vẫn rất quan tâm tới Nga, và ông thậm chí còn có cả một kế hoạch để tăng lượng tiền đầu tư từ phương Tây dù bị hạn chế bởi các biện pháp trừng phạt.