Marie Curie (1867 – 1934)
(Ảnh: Wiki)
Một trong những cá nhân nổi bật nhất trong lịch sử lễ trao giải Nobel chính là nhà khoa học nổi tiếng Marie Curie. Không chỉ vinh dự là người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel, bà còn là người phụ nữ duy nhất nhận 2 giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau: Vật lý và Hóa học.
Marie Curie là một nhà vật lý và hóa học người Pháp gốc Ba Lan, nổi tiếng trong việc tiên phong nghiên cứu về bức xạ. Năm 1903, cùng với chồng bà – Pierre – và đồng nghiệp Henri Becquerel, nhà khoa học quá cố Marie Curie đã được xướng danh tại lễ trao giải uy tín Nobel trước sự công nhận của toàn thế giới với công trình nghiên cứu đột phá về phóng xạ.
Nhà khoa học Marie Curie và chồng Pierre Curie. (Ảnh: Mid Day)
Chưa dừng lại ở đó, 8 năm sau, bà tiếp tục giành giải thưởng Nobel Hóa học cho việc khám phá ra hai nguyên tố hóa học radium và polonium.
Với những năm tháng miệt mài nghiên cứu và làm việc với các chất phóng xạ, sức khỏe của nhà khoa học đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 1934, bà đến trung tâm điều dưỡng Sancellemoz (Pháp) để phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, ngày 4/7/1934, Marie Curie đã qua đời.
Có thể thấy, trong lĩnh vực khoa học, phụ nữ luôn được coi là những trợ thủ, phụ tá cho những nhà khoa học là nam giới. Vì vậy, việc Marie Curie được vinh danh ở giải thưởng danh giá nhất thế giới Nobel đã mở đường cho những người phụ nữ sau này theo đuổi sự nghiệp khoa học của mình.
Maria Goeppert Mayer (1906 – 1972)
(Ảnh: Her Story)
60 năm sau khi nhà khoa học Marie Curie được nhận giải Nobel, Maria Goeppert Mayer đã tiếp bước và trở thành người phụ nữ thứ hai được vinh danh ở giải Nobel Vật lý.
Maria Goeppert Mayer là một nhà vật lý người Mỹ gốc Đức, bà đã dành cả cuộc đời của mình cho việc nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, vào những năm 1930, phụ nữ vẫn chưa được hoan nghênh góp mặt trong lĩnh vực này, vì vậy bà buộc phải làm việc không lương tại các phòng thí nghiệm để có thể tiếp tục nghiên cứu vật lý.
Năm 1960, bà đã trở thành một giáo sư vật lý dưới con mắt ngưỡng mộ của nhiều người. Không dừng lại ở đó, bà tiếp tục ghi tên vào danh sách thành viên Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ, nhận bằng Tiến sĩ Khoa học danh dự từ 3 trường đại học Russel Sage, Mount Holyoke College và Smith College.
(Ảnh: Getty Images)
Đến năm 1963, cùng với nhà khoa học người Đức Hans J. D. Jensen, Maria Goeppert Mayer đã vinh dự nhận giải thưởng Nobel Vật lý nhờ công bố lý thuyết cấu trúc hạt nhân dạng lớp.
Ngày 20/2/1972, bà đã không qua khỏi sau một cơn đau tim. Tuy nhiên, tên tuổi và công trình của bà vẫn còn được lưu giữ trong lòng người dân nước Mỹ. Để vinh danh nhà khoa học quá cố, Hội Vật lý Mỹ đã thành lập một giải thưởng mang tên bà nhằm khuyến khích những nhà vật lý nữ trẻ tuổi.