Hai ngày sau khi mời gọi Ấn Độ hòa dịu, Quân giải phóng Trung Quốc bất ngờ bị tố "động thủ" giữa đêm

Hải Võ |

Quân đội Ấn Độ cáo buộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có "động thái quân sự khiêu khích" ở bờ nam hồ Pangong Tso, tại biên giới hai nước, vào đêm 29, rạng sáng 30/8.

Trong thông cáo sáng nay, 31/8, quân đội Ấn Độ cáo buộc các binh sĩ Trung Quốc vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC) và cố gắng thay đổi nguyên trạng ở khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước. Một cuộc gặp cấp chỉ huy quân sự cũng được tổ chức trong ngày hôm nay tại Chushul nhằm giải quyết những bất đồng mới.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 31/8 nêu, "Vào đêm 29, rạng sáng 30/8/2020, lực lượng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã vi phạm những đồng thuận đạt được trước đó trong các phiên họp quân sự và ngoại giao nhằm giải quyết đối đầu giằng co tại Đông Ladakh, và tiến hành các động thái quân sự khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng."

Phát ngôn viên quân đội, đại tá Aman Anand, tuyên bố Ấn Độ "đã ngăn cản hoạt động này của PLA ở bờ nam hồ Pangong Tso, thực hiện biện pháp để củng cố các cứ điểm của mình và ngăn chặn ý đồ đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng trên thực địa". Ông Anand nói quân đội Ấn Độ cam kết duy trì hòa bình và an ninh thông qua đối thoại, nhưng cũng "quyết tâm gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ".

Đề cập các diễn biến mới ở dọc LAC, các nguồn tin trong quân đội Ấn Độ nói với India Today, "quân đội Trung Quốc tìm cách xâm nhập vào khu vực của Ấn Độ bằng cách sử dụng một quân số đáng kể, song quân đội Ấn Độ đã phát giác ý đồ của Trung Quốc và ngăn chặn động thái của họ."

Hai ngày sau khi mời gọi Ấn Độ hòa dịu, Quân giải phóng Trung Quốc bất ngờ động thủ giữa đêm - Ảnh 1.

(Ảnh: PTI)

Theo báo Hindustan Times (Ấn Độ), động thái của PLA ở khu vực đông Ladakh vào đêm 29-30/8 được xem là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng địa bàn ở biên giới do họ kiểm soát về phía bờ nam của hồ Pangong Tso.

Hồ này dài khoảng 135 km và được chia cắt bởi LAC, trong đó khoảng 1/3 hồ nằm trong khu vực Ladakh và 2/3 ở Tây Tạng. Đây cũng là nơi xảy ra vụ đụng độ giữa quân đội Trung-Ấn hôm 15/6, được cho là đẫm máu nhất trong nửa thế kỷ qua, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và 76 người khác bị thương.

Đến nay, hầu hết lực lượng Trung Quốc triển khai quanh hồ Pangong Tso tập trung ở bờ nam. Cuộc giằng co giữa Trung-Ấn tại nhiều điểm ở đông Ladakh đã kéo dài gần 4 tháng nay.

Theo hãng tin ANI (Ấn Độ), ít ngày trước vụ việc ngày 29-30/8, PLA đã tái triển khai các chiến đấu cơ J-20 đến gần Ladakh. Nguồn tin của ANI tiết lộ các máy bay J-20 Trung Quốc xuất hiện ở căn cứ không quân Hotan và bay tiếp cận khu vực Ladakh.

Một số thỏa thuận đã được song phương nhất trí nhằm giảm căng thẳng sau vụ đụng độ tại thung lũng Galwan ngày 15/6. Nỗ lực mở rộng địa bàn của phía Trung Quốc được được báo cáo diễn ra chỉ hai ngày sau khi Bộ Quốc phòng nước này kêu gọi Ấn Độ cần nhìn vào "bức tranh toàn cảnh" quan hệ song phương, và hợp tác với Bắc Kinh để thực hiện các bước cụ thể nhằm đưa quan hệ hai nước trở lại "quỹ đạo phát triển bình thường".

New Delhi nêu rõ quan điểm về việc Trung Quốc cần làm việc để hướng tới hạ nhiệt leo thang quân sự tại biên giới và rút lực lượng ở đông Ladakh.

Ấn Độ nhấn mạnh điều này chỉ có thể đạt được thông qua những hành động "có đi có lại" được đồng thuận. Thông điệp đưa ra là quân đội Ấn sẽ duy trì thái độ cứng rắn đối với những ý định của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng, đồng thời yêu cầu PLA trở lại các vị trí của họ vào thời điểm trước ngày 20/4.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nói hồi tuần trước rằng việc "thoát ly tiếp xúc" hoàn toàn giữa đôi bên đòi hỏi việc hai nước cùng tái bố trí lực lượng trở về các cứ điểm thông thường ở phần địa bàn của mỗi bên trên LAC.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại