Chị Thanh, 42 tuổi, bán nước uống trước cửa căn biệt thự 110 - 112 Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM đã được mấy chục năm. Ngày còn trẻ, chị làm thuê trong chính biệt thự, phụ giúp bán đồ gỗ. Sau này, con cháu của chủ nhân căn biệt thự đi định cư nước ngoài, cửa hàng đồ gỗ cũng bỏ.
Chị nghe nói mấy năm trước, căn biệt thự đã được sang tên cho chủ mới. Tuy nhiên, chủ mới là ai, chị không biết. Chị chỉ biết được hiện tại, khu nhà phụ giáp đường Bà Huyện Thanh Quan có văn phòng làm việc, người qua lại hàng ngày và còn có cả người sống trong căn biệt thự.
Toàn cảnh biệt thự 110 - 112 Võ Văn Tần. Ảnh: Zing.
Thật khó để tiếp cận bên trong căn biệt thự khi hai cổng chính đều khóa, duy nhất có một cổng được mở hờ dẫn tới khu văn phòng. Người ra người vào đều phải trình báo và được sự đồng ý của hai bảo vệ. Vào lúc 9h ngày 13/9, bên trong khu biệt thự khá yên ắng, vắng bóng người.
Khu nhà chính 2 lầu của biệt thự im ỉm khóa. Ảnh: K. Chiêm.
Khu nhà phụ của biệt thự được cho rằng đã trở thành văn phòng làm việc. Ảnh: K. Chiêm.
Chị Thanh cũng chỉ là một trong số những người bám biệt thự để kinh doanh, buôn bán nhỏ.
Bên ngoài biệt thự, người dân mở quán bán cháo lòng, đồ ăn sáng, nước uống tràn lan với mấy chiếc ghế nhựa, vài cái dù che nắng. Một quán cắt tóc nhỏ cũng được dựng lên, lặng lẽ nằm ở góc phố giao Nguyễn Thị Diệu và Bà Huyện Thanh Quan. Không hàng quán nào bị đuổi buôn bán cả, chị Thanh nói.
Hàng quán mọc quanh biệt thự, vít cả cổng chính. Ảnh: K. Chiêm.
Vào năm 2016, con gái và cháu gái Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là Chu Duyệt Phấn và Trương Huệ Vân đã chi 35 triệu USD (khoảng 750 tỷ đồng) mua căn biệt thự cổ 3 mặt tiền đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu (quận 3, TP HCM). Biệt thự có kiến trúc Pháp, diện tích gần 3.000 m2.
Hai năm trôi qua, căn biệt thự gần như không có thay đổi về kiến trúc hay được sử dụng vào mục đích gì. Sự thay đổi dễ nhận biết nhất khi nhìn từ ngoài vào là một phần nhỏ khu phụ của biệt thự đã được cải tạo làm quán cà phê, kiot bán hàng. Nay, các cửa hàng đều đóng cửa then cài hoặc bỏ hoang.
Một phần khu nhà phụ của biệt thự đã được cải tạo thành quán cafe nhưng nay bỏ không. Ảnh: K. Chiêm.
Dẫn lời ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc (thuộc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM) vào năm 2015, báo Dân trí cho biết căn biệt thự này khả năng được đưa vào diện xem xét cần bảo tồn là rất cao vì có kiến trúc, cảnh quan rất đẹp.
Trong thời gian kiểm kê, đánh giá, phân loại biệt thự cổ, các hoạt động giao dịch, mua bán là quyền của chủ sở hữu nhưng nếu có tác động đến công trình như trùng tu, thay đổi kết cấu, thiết kế... thì phải xin phép và được sự đồng ý của UBND thành phố.
Khung cảnh nhếch nhác bên ngoài biệt thự. Ảnh: K. Chiêm.
Cũng cần nói thêm, trong nhiều năm, TP HCM chưa có bộ quy chuẩn phân loại biệt thự cổ để có phương án ứng xử phù hợp.
Mới đây, thành phố mới có quy định về tiêu chí đánh giá, phân loại biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1975. Quy định được áp dụng từ ngày 20/9, không áp dụng đối với các biệt thự đã được xếp hạng hoặc được cơ quan các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa xác nhận đủ tiêu chuẩn xếp hạng.
Các biệt thự cũ được phân thành 3 nhóm gồm: (1) nhóm có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ do Hội đồng Phân loại biệt thự xác định; (2) nhóm không thuộc nhóm 1 nhưng có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử, văn hóa; (3) nhóm không thuộc nhóm 1 và nhóm 2. Việc phân loại này sẽ lọc ra được các công trình không thuộc diện bảo tồn để làm cơ sở giải quyết nhanh việc cho phép tháo dỡ và cấp phép xây dựng cho người dân.
Mái ngói, cột xà của biệt thự vẫn khá chắc chắn, nguyên vẹn. Ảnh: K. Chiêm.
Đội bảo vệ cổng biệt thự trên đường Bà Huyện Thanh Quan vẫn túc trực hàng ngày. Ảnh: K. Chiêm.