Hai màn đối chất kịch liệt để gọi vốn tại Shark Tank: Có startup rớt giá, có doanh nghiệp được đầu tư gấp 3

Hải My |

(Tổ Quốc) - Shark Tank tập 5 được khán giả đánh giá hấp dẫn nhất từ đầu mùa đến nay bởi những màn chất vấn, thương lượng giá thú vị.

Shark Tank tập 5 mùa 5 tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm của dân tình với các startup đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Đáng chú ý trong tập này phải kể đến 2 startup về thời trang và phát triển du lịch công nghệ. Mặc dù màn thuyết trình của 2 startup khiến dàn "cá mập" liên tục đặt ra câu hỏi, tranh luận kịch liệt nhưng sau cùng vẫn có những thương vụ thành công, thậm chí có Shark còn đầu tư gấp 3 lần.

Hãng thời trang cao cấp kêu gọi 1 triệu USD cho 5% cổ phần, Shark Bình chốt deal thành công 500 nghìn USD cho 10%

Trong tập 5, Cao Tiến Thành - sáng lập và điều hành hãng thời trang Melya và người đồng sáng lập là Nguyễn Tiến Hoàng đến gọi vốn 1 triệu USD cho 5% cổ phần. Nói về startup của mình, Cao Tiến Thành cho biết đây là hãng thời trang thiết kế cao cấp dành cho nữ, độ tuổi từ 30 - 55 tuổi với giá bán từ 1,2 - 2 triệu đồng/ sản phẩm.

Hiện tại, startup đang đi theo mô hình lấy online làm nền tảng để phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ. Năm 2021 Melya đạt 78 tỷ lợi nhuận 3,6 tỷ. Năm 2022 dự kiến sẽ đạt 250 tỷ, và lợi nhuận khoảng 45 tỷ. Ngay khi các số liệu được đưa ra, Shark Hùng Anh đã thắc mắc tại sao năm 2021 lợi nhuận chỉ có 5% mà trong năm nay đã tăng gần 20%.

Hai màn đối chất kịch liệt để gọi vốn tại Shark Tank: Có startup rớt giá, có doanh nghiệp được đầu tư gấp 3 - Ảnh 1.

Startup về thời trang cao cấp mang đến màn trình diễn ấn tượng

Tiến Thành cho biết tất cả mô hình kinh doanh theo chuỗi thì ban đầu lợi nhuận rất thấp, nhưng càng mở rộng thì lợi nhuận càng tăng. Dự kiến đến tháng 12 năm 2022 biên lợi nhuận lên đến 26%, bởi vì Melya đang vận hành 3 công ty, từ công ty đầu tiên là thiết kế, sáng tạo mẫu, sau đó đến sản xuất và cuối cùng là phân phối bán lẻ trực tiếp đến tay người tiêu dùng.

Cũng theo Tiến Thành, anh chia sẻ đã bắt đầu nghiên cứu và tìm hiểu về công việc này được 3 năm. Tháng 5 năm 2020, mở cửa hàng đầu tiên. Và trong 2 năm đại dịch anh đã tận dụng để mở 11 cửa hàng. Đến tháng 4 năm vừa rồi, anh mở thêm 2 cửa hàng nữa. Hiện tại là 13, chuẩn bị tăng lên thành 14 vì có 1 cửa hàng đang thiết lập. Startup khẳng định toàn bộ tiền mở cửa hàng là lợi nhuận quay về và nhờ vào kênh online, hàng thời trang vẫn có lãi. 

Điều này khiến Shark Hùng Anh nói: "Với quy mô công ty như vậy mà định giá gần 20 triệu USD, anh không hiểu tụi em suy nghĩ cái gì trong đầu nữa. Lời tụi em có 3 tỷ đồng thôi, cứ lấy số đó nhân tầm khoảng 10 – 15% là cao tay rồi. Giá trị doanh nghiệp của tụi em maximum là khoảng 45 tỷ, mà em lên đây em định giá gọi tới 200 mấy tỷ, 250 tỷ"

Hai màn đối chất kịch liệt để gọi vốn tại Shark Tank: Có startup rớt giá, có doanh nghiệp được đầu tư gấp 3 - Ảnh 2.

Starup bị cho là đang định giá doanh nghiệp quá cao nên có 4 trong 5 Shark từ chối đầu tư

Shark Hùng Anh cho rằng khả năng bán hàng của Tiến Thành rất giỏi tuy nhiên lại đang định giá doanh nghiệp quá cao nên quyết định không đầu tư. Shark Hưng và Shark Liên cũng có đồng ý kiến.

Khi Shark Phú hỏi kĩ hơn về quy mô, lợi nhuận, chi phí điểm hòa vốn và chi phí phân bổ, startup cho biết 1 cửa hàng có doanh thu 430 triệu đồng/tháng. Chi phí thấp nhất là 200 triệu đồng, trong đó có 10% dành để trả lương cho 4 nhân viên, tính ra chỉ 5 triệu đồng/ nhân viên/ tháng, mà trước đó startup cho rằng nhân sự của bên mình mức lương cao hơn tăng 10% so với các đơn vị. Shark Phú thấy câu trả lời chưa rõ nên từ chối đầu tư.

Về phía Shark Bình, ông cho rằng chuỗi thời trang như này không phải là hiếm, điều tạo nên sự khác biệt nằm ở long mạch gồm: con người, quy trình, quản trí, giá bán, marketing, giỏi bán hàng. Tuy nhiên, câu trả lời từ startup lại khiến Shark Bình khá thất vọng. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn NextTech vẫn đưa ra mức giá 1 triệu USD cho 30% cổ phần. 

Hai màn đối chất kịch liệt để gọi vốn tại Shark Tank: Có startup rớt giá, có doanh nghiệp được đầu tư gấp 3 - Ảnh 3.

Tiến Thành mong muốn Shark Bình đưa ra mức giá hợp lý hơn bởi anh cam kết tất cả các số liệu đưa ra đều chính xác, nếu sau khi thẩm định mà thấy không đúng, anh sẵn sàng để lại cho Shark nhiều phần trăm cổ phần hơn. Cuối cùng, Shark Bình cân nhắc và đưa ra đề nghị thành công đầu tư 1 triệu USD trong đó 500 nghìn USD cho 10% cổ phần. Còn 500 nghìn USD còn lại cho khoản vay chuyển đổi với tỷ lệ lãi suất sẽ đàm phán sau.

Startup phát triển du lịch công nghệ chốt deal thành công với Shark Hùng Anh

Trần Bá Hoàng Minh và Tân Trần đến với Shark Tank Việt Nam để kêu gọi đầu tư cho Hanz - công ty chuyên cải tạo lại khách sạn, nâng cấp hạng phòng theo hướng tiện nghi, sạch sẽ và giúp gia tăng lượng khách bằng cách đưa khách sạn lên hệ thống bán hàng toàn cầu. Mức kêu gọi đầu tư là 100 nghìn USD cho 1,5% tỉ lệ cổ phần.

Startup Hoàng Minh phân tích, trên thị trường khách sạn, phân khúc từ 3 sao trở xuống đang do các đơn vị châu Á quản lý như của Indonesia, Ấn Độ và Singapore. Hiện nay Việt Nam có khoảng 30.000 khách sạn vừa và nhỏ, Hanz đang tập trung vào lượng khách sạn này. 

Theo các startup, hiện tại chỉ thu phí của 25% khách sạn với doanh thu đạt được là 2,5 tỉ đồng, nếu thu phí của 100% khách sạn sẽ có được 10 tỉ đồng, lợi nhuận là khoảng 4 tỉ đồng. Nhân gấp 5 lần thì tầm 5 năm sau, Hanz có thể đạt khoảng 25 tỉ. Nếu nhân tiếp lên 5 lần thì có thể đạt từ khoảng 110 - 120 tỉ đồng.

Hai màn đối chất kịch liệt để gọi vốn tại Shark Tank: Có startup rớt giá, có doanh nghiệp được đầu tư gấp 3 - Ảnh 4.

Cách tính này của Hoàng Minh và Tân Trần khiến Shark Hùng Anh thắc mắc: "Anh kêu gọi vốn ngày hôm nay mà anh định giá cho 5 năm sau sao được". Còn Shark Hưng thì thẳng thắn nhận xét: "Các bạn tính vậy như đếm cua trong lỗ vậy"

Về dịch vụ, Hanz có hệ thống ASE điều chỉnh năng động giá, tự động hóa các kênh marketing, đồng bộ giá trên các kênh phân phối OTA, GDS (hệ thống phân phối toàn cầu), chuẩn hóa dịch vụ 3 sao. Tuy nhiên, Shark Hùng Anh cho rằng việc sử dụng nền tảng OTA (đại lý booking), GDS thì không thể gọi là tự động. Hai nhà đồng sáng lập giải thích, tự động ở đây có nghĩa khi bất cứ ai đặt phòng thì ngay lập tức giá sẽ thay đổi. Công nghệ cả Hanz là thay thế vị trí quản lý để điều chỉnh giá linh hoạt theo số lượng các phòng sẽ được đặt.

Sau khi nghe 2 startup trình bày, Shark Phú đề nghị đầu tư 100 nghìn USD cho 15% cổ phần. Còn Shark Hùng Anh cho biết ông muốn đi lâu dài với startup bởi trong hệ sinh thái BIN Corporation Group, ông đang sở hữu app booking Travelner đang làm hệ thống OTA, có thể hỗ trợ đắc lực cho Hanz.

Hai màn đối chất kịch liệt để gọi vốn tại Shark Tank: Có startup rớt giá, có doanh nghiệp được đầu tư gấp 3 - Ảnh 5.

Startup chốt deal thành công với Shark Hùng Anh

Do đó, Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 300 nghìn USD để sở hữu 35% cổ phần. Nếu hiệu suất đạt đúng như startup nói, ông sẽ đầu tư thêm 200 nghìn USD giảm tỷ lệ sở hữu. Tổng đề nghị đầu tư của Shark Hùng Anh sẽ là 500 nghìn USD cho 30% cổ phần. Tuy nhiên, startup được quyền mua lại 10% cổ phần từ Shark với định giá bằng thời điểm Shark đầu tư hiện tại và trả thêm 15% lãi suất. Shark Hùng Anh đồng ý, khép lại thương vụ thành công trên Shark Tank Việt Nam tập 5.

Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại