1. Abramovich giao quyền quản lý Chelsea cho chính phủ Anh
Trong tình thế hiểm nghèo này, đây chính là sự lựa chọn tốt nhất của Abramovich sau khi lãnh án phạt của chính phủ Anh. Vị tỷ phú 55 tuổi buộc phải xuống nước, hợp tác với chính phủ Anh và chấp nhận mất trắng Chelsea nếu muốn cứu đội bóng.
Bà Nadine Dories - bộ trưởng bộ văn hóa Anh coi đội chủ sân Stamford Bridge là di sản của xứ sở sương mù, đồng thời muốn bảo vệ Chelsea và không cấm Abramovich bán câu lạc bộ. Chelsea vẫn có thể được bán.
Nhưng nếu Abramovich giao lại quyền quản lý đội bóng thành London cho chính phủ Anh, chính phủ sẽ có toàn quyền quyết định tương lai của Chelsea và không cần phải thông qua ông.
Trước đây, nếu muốn trở thành chủ mới của một câu lạc bộ nào đó, người mua được phép thương thảo trực tiếp với chủ sở hữu hiện thời của đội bóng. Chính quyền nước sở tại không liên quan tới quá trình chuyển giao này. Nhưng với tình hình của Chelsea ở thời điểm hiện tại, chủ sở hữu mới phải làm việc và chịu sự giám sát của chính phủ Anh.
Theo nhà báo Martyn Ziegler của tờ The Times (Anh), The Blues phải xin giấy phép đặc biệt từ các bộ trưởng của xứ sở sương mù nếu muốn câu lạc bộ được bán. Người mua cũng phải xin chính phủ Anh cấp phép để được tiếp quản Chelsea.
Điều kiện của giấy phép này là Abramovich sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ việc bán đội bóng. Chính quyền chỉ muốn trừng phạt vị tỷ phú 66 tuổi chứ không muốn hủy hoại Chelsea. Abramovich rõ ràng chịu bất lợi lớn nếu giao số phận của câu lạc bộ cho chính phủ Anh.
Ban đầu, Abramovich chỉ coi Chelsea là thú vui trong niềm đam mê bóng đá của ông. Ông cũng không coi việc làm chủ tịch The Blues là công việc kinh doanh.
"Đây đâu phải kinh doanh. Tôi chẳng thiếu cách kiếm tiền ít mạo hiểm hơn đầu tư vào bóng đá. Tôi không lãng phí tiền bạc, nhưng công việc này mang lại niềm vui từ những thành tựu của Chelsea. Sở hữu một đội bóng mạnh là ước mơ của tôi, bất chấp luôn có ai đó sẽ nói rằng tôi bị điên", đài BBC (Anh) trích lời Abramovich.
Sau nhiều năm tháng đồng hành cùng nhau, tình cảm khăng khít từ đó đã hình thành giữa Abramovich và Chelsea rồi được thời gian bồi đắp thêm. Với tư cách một người dành tình yêu cho The Blues, nhiều khả năng vị tỷ phú người Nga sẽ giao lại quyền quản lý Chelsea cho chính phủ Anh.
Bởi đó là cách tốt nhất để giải cứu đội bóng mà ông yêu và sự lựa chọn còn lại trong hoàn cảnh này còn tồi tệ hơn.
2. Abramovich để mặc cho Chelsea chết dần, chết mòn
Lựa chọn tiếp theo là Abramovich không nhún nhường trước chính phủ Anh, không thực hiện bất kỳ hành động nào khác với Chelsea. Nếu vị tài phiệt 66 tuổi làm vậy, tương lai của Chelsea tiếp tục bị đe dọa và mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn. Chelsea sẽ chết dần chết mòn vì những lệnh cấm và có nguy cơ bị trừ 9 điểm nếu không sớm tìm được chủ mới.
Về lý, Abramovich hoàn toàn có quyền bỏ mặc đội bóng Tây London. Vì Chelsea vẫn là tài sản của ông. Riêng việc Abramovich từng tuyên bố không yêu cầu đội chủ sân Stamford Bridge phải trả khoản nợ 2 tỷ bảng đã giúp ông chiếm trọn cảm tình của fan Chelsea.
Nhưng nếu xét về tình, Abramovich sẽ không làm như vậy, bởi nó sẽ gây tổn hại đến hình tượng của ông trong mắt người hâm mộ The Blues.
4 hình phạt chính phủ Anh giáng lên Chelsea để trừng phạt Abramovich:
- Chỉ được chi tiêu tối đa 20.000 bảng cho mỗi trận sân khách.
- Bị cấm kinh doanh (bán áo đấu, đồ lưu niệm và vé từng trận), chỉ các cổ động viên sở hữu vé cả mùa hoặc vé từng trận được mua trước ngày 10/3 mới được phép vào sân cổ vũ.
- Không thể tham gia các hoạt động chuyển nhượng: mua, bán, gia hạn hợp đồng, tăng lương cho các cầu thủ.
- Không thể nâng cấp sân vận động.