Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Barcelona (Tây Ban Nha) vừa "giải mã" Palomar 5 và tìm thấy nhiều chi tiết đáng kinh ngạc về cụm sao cầu cổ đại này.
Theo Daily Mail, Palomar 5 là một tập hợp các ngôi sao 10 tỉ năm tuổi quay quanh Milky Way (thiên hà chứa Trái Đất) và cách Trái Đất khoảng 80.000 năm ánh sáng.
Cụm sao cầu Palomar 5 - Ảnh: UNIVERSE TODAY
Nó chứa một lượng lỗ đen nhiều gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu, chiếm tới 20% khối lượng của toàn cụm sao.
Tuy nhiên, theo Phys.org, công trình cũng cho thấy cụm sao mà nhìn từ Trái Đất là một điểm rực rỡ tuyệt đẹp không hình thành như một "thế giới quái vật". Ban đầu, nó có ít lỗ đen hơn nhiều. Nhưng qua 10 tỉ năm tuổi, rất nhiều ngôi sao khổng lồ trong đó đã "chết", đi tới một vụ nổ siêu tân tinh và cuối cùng sụp đổ thành lỗ đen cỡ nhỏ.
Palomar 5 cũng là cụm sao có đuôi dài và sáng nhất so với bất kỳ cụm nào trong Milky Way nếu được quan sát qua công cụ thiên văn chuyên nghiệp, có thể do thời gian đã làm tan rã lỗ đen thống trị của nó, biến cụm sao dần thành một dòng sao mỏng.
Nghiên cứu về Palomar 5 cung cấp cho các nhà thiên văn rất nhiều chi tiết về cách một cụm sao có thể tiến hóa sau hàng tỉ năm. Bài công bố vừa đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.