Các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang trước giờ tuyên án. Ảnh: TTXVN
Theo thông báo của Công an tỉnh Hà Giang, Cơ quan An ninh điều tra nhận được tố giác tội phạm của luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, tại bản án vụ gian lận thi cử do Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang tuyên từ tháng 10/2019.
Bản án này nêu kiến nghị của luật sư Hướng về việc có 2 thí sinh S.V.Đ và N.V.T là học sinh cá biệt, nhưng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tại Hà Giang đã đạt điểm cao. Hai thí sinh trên trúng tuyển vào một trường đại học khối công an và có thông tin về việc mỗi thí sinh phải “chạy” 500 triệu đồng.
Sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan An ninh điều tra- Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố vụ án“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” để điều tra.
Hôm qua (1/10), trao đổi với PV Tiền Phong về trường hợp hai thí sinh nêu trên, ông Lê Quang Thức, Hiệu trưởng Trường THPT Xín Mần cho biết, thông tin về S.V.Đ và N.V.T đã được trường báo cáo gửi Công an tỉnh Hà Giang theo yêu cầu. “Hai thí sinh này có học tại Trường THPT Xín Mần một thời gian ngắn, nhưng sau đó chuyển sang học tại trung tâm giáo dục thường xuyên”, ông Thức nói.
Ông Vũ Trọng Hiền, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Giang, khẳng định, đối với các thông tin liên quan đến 2 thí sinh S.V.Đ và N.V.T, ngành giáo dục đã báo cáo lên cơ quan điều tra theo yêu cầu và cơ quan điều tra tỉnh Hà Giang sẽ là đơn vị phát ngôn.
PV Tiền Phong cũng đã liên hệ với Công an tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, đại diện công an tỉnh cho biết, vụ án vẫn đang trong giai đoạn điều tra, chưa thể cung cấp thông tin.
Bộ GD&ĐT chưa chấm thẩm định bài thi của 2 thí sinh cá biệt
Năm 2018, trong số thí sinh được chấm lại bài thi, không có S.V.Đ và N.V.T. Theo Quy chế thi của Bộ GD&ĐT, bài thi của thí sinh sẽ được lưu trữ trong vòng 24 tháng. Đến nay, thời gian diễn ra kỳ thi đã qua 4 năm.
Tháng 7/2018, Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng chấm thẩm định tất cả các môn thi trắc nghiệm của tất cả các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang.
Khi đó, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, người được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm chấm thẩm định cho biết, qua chấm thẩm định cho thấy có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có sự chênh lệch điểm so với điểm thi thật của thí sinh. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm. Cá biệt, có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Cơ quan điều tra xác định, có 107 thí sinh được sửa bài thi nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hà Giang. Trong đó, ông Vũ Trọng Lương, cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang, là người trực tiếp can thiệp vào kết quả 309 bài thi của 107 thí sinh.
Nguồn tin của PV Tiền Phong cho biết, Bộ GD&ĐT chưa nhận được thông tin đề xuất chấm lại bài thi của hai thí sinh nêu trên từ phía cơ quan chức năng liên quan.
Liệu qua 4 năm, bài thi của hai thí sinh này còn được bảo lưu? Tại phiên toà xét xử vụ án tiêu cực thi cử tại Hà Giang vào năm 2019, luật sư Hoàng Văn Hướng kiến nghị giữ lại toàn bộ bài thi của năm 2017 để điều tra một cách khách quan và công tâm. Theo đó, Hội đồng xét xử chấp nhận kiến nghị của các luật sư về việc giữ lại toàn bộ bài thi THPT năm 2017 ở tỉnh Hà Giang để phục vụ điều tra.
Tại phiên toà xét xử diễn ra tháng 10/2019, bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang) khai, đã báo cáo với ông Vũ Văn Sử (cựu Giám đốc sở GD&ĐT Hà Giang) về việc năm 2017 có những dấu hiệu tội phạm trong công tác thi cử. Tại tòa, ông Sử thừa nhận bị cáo Chính có báo cáo sự việc này.
Theo đó, luật sư Hướng, người bào chữa cho bị cáo Chính, đã kiến nghị Hội đồng xét xử khởi tố vụ án hình sự với dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vấn đề công tác điểm thi năm 2017.