"Hiệp sĩ" và kẻ cướp đều bình đẳng trước pháp luật
Năm 2011, anh Nguyễn Tăng Tiên, một "hiệp sĩ" nổi tiếng bị chém trọng thương, đã có rất nhiều bài báo kêu gọi tìm kiếm giải pháp bảo vệ những con người dũng cảm như bảo vệ lương tâm của xã hội.
Đó là một mong muốn chính đáng, và đẹp đẽ. Nhưng 7 năm sau, những "hiệp sĩ" bị giết chết trên đường phố, bởi những tên trộm vặt.
Những "hiệp sĩ" bắt cướp như Nguyễn Tăng Tiên năm xưa, hay những người anh hùng đã chết đêm qua, khi tự nguyện đương đầu với tội phạm bằng vũ khí duy nhất là lòng dũng cảm, hẳn đều đã xác định hiểm nguy là điều khó tránh khỏi.
Song, chấp nhận hiểm nguy là một lựa chọn cá nhân, một phẩm chất của "hiệp sĩ"!
Những người dân bắt cướp có thể chấp nhận những rủi ro xảy đến với bản thân mình. Song, liệu họ có thể chịu trách nhiệm về những sự cố đồng thời xảy ra và gây hậu quả nguy hại cho xã hội?
Hành vi bắt cướp trên đường phố chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khi mà những người bắt cướp không có phương tiện phù hợp để cảnh báo.
Trong nhiều trường hợp, những người dân bắt cướp buộc phải dùng vũ lực, và không ít lần họ cũng gây tổn hại về sức khỏe, có thể cả tính mạng của đối tượng mà họ ngăn chặn, đuổi bắt, và cả những người vô tội khác.
Người dân có thể cảm phục lòng dũng cảm của những "hiệp sĩ" đường phố.
Song, khi họ là nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông, hoặc nghiêm trọng hơn là dao bay đạn lạc trong cuộc đụng độ giữa "hiệp sĩ" và kẻ cướp, tình cảm của họ đối với các "hiệp sĩ" sẽ có sắc thái như thế nào?
Khi đó, "hiệp sĩ" và kẻ cướp đều bình đẳng trước pháp luật. Động cơ "hiệp sĩ" có thể được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ, song, họ khó tránh khỏi việc bị kết án bằng một chế tài phù hợp với hậu quả.
Trong bối cảnh trộm cướp hoành hành như hiện nay, việc khuyến khích, tặng thưởng, trao bằng khen cho những người dân dũng cảm đuổi bắt cướp cũng là điều phù hợp với tình cảm xã hội.
Song, với tinh thần thượng tôn pháp luật, việc người dân bắt cướp, thay thế lực lượng chuyên tráchhành pháp, rõ ràng là hành vi nguy hiểm, và không nên khuyến khích.
"Hiệp sĩ" bắt cướp không phải Lục Vân Tiên
Hãy để lực lượng chức năng làm công việc của mình! Quan điểm này có thể sẽ không được nhiều người đồng tình vì cho rằng xã hội ngày nay đang thiếu vắng những Lục Vân Tiên và rất cần những "hiệp sĩ" bắt cướp.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận không phải các "hiệp sĩ" bắt cướp đều là những Lục Vân Tiên văn võ song toàn, có khả năng bảo vệ mình và bảo vệ sự an toàn của những người liên quan.
Mặt khác, hành động của Lục Vân Tiên là giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha. Điều đó hoàn toàn khác với hành động chủ đích săn đuổi, truy quét trộm cướp như một công việc, trong khibản thân các "hiệp sĩ" không phải dân chuyên nghiệp.
Các "hiệp sĩ" săn bắt cướp không được đào tạo kỹ năng nghiệp vụ săn bắt cướp, không được phép sử dụng công cụ hỗ trợ và không có một hành lang pháp lý để bảo vệ hành vi của mình.
Để đương đầu với tội phạm, họ không có gì ngoài lòng nhiệt tình và sự căm ghét đối với lũ trộm cướp.
Hành động đó, nếu trả giá bằng tính mạng của bản thân, có thể cũng là một lựa chọn có ý nghĩa. Song, sẽ không có bất cứ điều gì bảo vệ được họ trước lựa chọn đó của bản thân.
Những "hiệp sĩ" bắt cướp hiện nay không phải Lục Vân Tiên, họ giống với những hảo hán ở những Chúc gia trang, Hổ gia trang trong Thủy Hử nhiều hơn.
Đó là hành động khởi phát trong một xã hội vô thiên, vô pháp, khi mà các thiết chế bảo vệ sự an toàn của người dân không được đảm bảo, buộc người dân tự vũ trang để phòng ngừa trộm cướp.
Còn ở xã hội của chúng ta, khi mà người dân vẫn đóng thuế để trả lương cho những lực lượng có chức năng bảo vệ luật pháp thì ngay cả những loạn thế anh hùng như Lục Vân Tiên cũng không nên khuyến khích.
Để bảo vệ những người tốt, để những chàng "hiệp sĩ"có thể sống và lan toả sự tử tế, can đảm trong cuộc đời, hãy yêu cầu lực lượng chức năng làm tốt công việc của mình! Đó là pháp lý, công lý, và đạo lý!