Tàu khu trục USS Decatur áp sát quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) cuối tuần trước đã nhận lệnh từ trụ sở của Hạm đội 3 tại TP San Diego - Mỹ.
Hai mặt trận
Hãng tin Reuters hôm 25-10 dẫn 2 nguồn tin giấu tên cho hay đây là lần đầu tiên một chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ ở biển Đông được tiến hành không theo lệnh của chỉ huy Hạm đội 7 đóng ở cảng Yokosuka - Nhật Bản như thường lệ.
Bước đi này được cho là thử nghiệm nhằm cho phép Hải quân Mỹ tiến hành các chiến dịch hàng hải trên 2 mặt trận ở châu Á cùng lúc, qua đó thách thức mạnh mẽ hơn những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Cũng theo các nguồn tin, việc có thêm sự chỉ huy thường xuyên của Hạm đội 3 với các tàu ở khu vực châu Á - hoạt động vốn đã chấm dứt từ Thế chiến II - có nghĩa là Hải quân Mỹ có thể tiến hành tốt hơn các chiến dịch cùng lúc, chẳng hạn như trên bán đảo Triều Tiên và tại Philippines.
Xác nhận vai trò chỉ huy của Hạm đội 3 trong cuộc tuần tra biển Đông mới nhất nói trên, người phát ngôn của Hạm đội 3, ông Ryan Perry, cho biết tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur thuộc nhóm 3 tàu được triển khai tới biển Đông 6 tháng trước.
Hồi năm ngoái, Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, đã ám chỉ việc mở rộng vai trò của Hạm đội 3 khi tuyên bố sẽ xóa bỏ những ranh giới hành chính ngăn cách giữa Hạm đội 3 và Hạm đội 7.
Tới đầu năm nay, một quan chức chính phủ Mỹ nói với Reuters rằng sẽ có thêm nhiều tàu từ Hạm đội 3 được phái tới Đông Á. Giới phân tích cho rằng sự tái tổ chức nói trên đã trao cho Hạm đội 3 vai trò tiền tuyến lớn hơn.
Ngoài ra, sự “song kiếm hợp bích” giữa Hạm đội 3 với Hạm đội 7 sẽ thúc đẩy chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Washington giữa lúc Bắc Kinh gia tăng khiêu khích ở biển Đông.
Hạm đội 3 có hơn 100 tàu, trong đó có 4 tàu sân bay.
Trong khi đó, Hạm đội 7 là hạm đội hải quân mạnh nhất ở châu Á với khoảng 80 tàu, trong đó có tàu sân bay USS Ronald Reagan.
Tăng cường hoạt động quân sự
Theo sau cuộc tuần tra của tàu USS Decatur hôm 21-10, một số chuyên gia Trung Quốc nhận định Mỹ sẽ tăng cường hoạt động quân sự ở biển Đông nhằm tái cam kết với các đồng minh về chiến lược “xoay trục” đang gặp khó bởi sự “trở chứng” của Philippines.
Nhà quan sát quân sự Nghê Nhạc Hùng tại Thượng Hải nói với tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng hôm 25-10 rằng Mỹ không thể “khoanh tay đứng nhìn” sau khi chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thay đổi chính sách đối ngoại và ngừng đối đầu với Trung Quốc.
Còn nhà nghiên cứu Hồ Ba, tại Viện Nghiên cứu Đại dương thuộc Trường ĐH Bắc Kinh, nhận định một khi còn quyết tâm theo đuổi chiến lược “xoay trục” sang châu Á, Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện sức mạnh quân sự trong khu vực.
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Lý Kiệt, thuộc Viện Nghiên cứu hải quân của quân đội Trung Quốc, cho rằng Mỹ có thể sẽ kêu gọi các đối tác, đồng minh tham gia nỗ lực thách thức Bắc Kinh, trong đó có tuần tra ở biển Đông.
Khi đó, theo tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), căng thẳng ở biển Đông có tăng nhiệt hay không còn tùy thuộc phản ứng của Trung Quốc.
“Nếu Trung Quốc chọn cách phản ứng mạnh mẽ hoạt động tuần tra của Mỹ, căng thẳng sẽ leo thang. Nếu Bắc Kinh đơn thuần lên tiếng phản đối thì tình hình biển Đông không mấy khác biệt” - ông Storey nhận định.
Về vấn đề này, chuyên gia Lý Kiệt cho rằng Bắc Kinh sẽ phản ứng bằng cách mở rộng sự hiện diện, tăng cường phòng thủ trên các đảo cải tạo trái phép ở biển Đông.
“Hải quân Trung Quốc sẽ phản ứng cứng rắn nhưng hết sức cẩn thận và kiềm chế” - ông Lý nói.
Nhật hàn gắn Mỹ - Philippines
Là một trong những đồng minh mạnh nhất của Mỹ ở châu Á và đối tác thương mại kiêm nhà viện trợ lớn nhất của Philippines, Nhật Bản hy vọng sẽ hàn gắn mối quan hệ giữa Manila và Washington.
Giới chức Nhật Bản tiết lộ Thủ tướng Shinzo Abe có khả năng nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ đối với hòa bình và ổn định của khu vực trong cuộc gặp với Tổng thống Rodrigo Duterte vào ngày 26-10.
Chính sách ngoại giao của ông Duterte đối với Mỹ chính là vấn đề mà giới lãnh đạo Nhật Bản quan tâm nhất, theo AP. Phát biểu tại sân bay quốc tế Manila trước khi bay sang Nhật hôm 25-10, tổng thống Philippines lại gây chú ý khi gọi người Mỹ là “ngu ngốc và ngớ ngẩn”.
Ông còn tỏ ý đe dọa Hiệp định Tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) được ký kết vào năm 2014 - trong đó cho phép quân đội, tàu chiến và máy bay Mỹ đồn trú ở Philippines - khi tuyên bố “quên nó đi” nếu ông nắm quyền lâu hơn.
Reuters dẫn lời ông: “Tôi không muốn nhìn thấy bất kỳ binh sĩ nước ngoài nào tại Philippines và Mỹ đừng đối xử với Philippines như với một con chó bị xích”.
Vấn đề là mới trước đó một ngày, ông Duterte trả lời truyền thông Nhật Bản tại Manila rằng liên minh Mỹ - Philippines vẫn tồn tại. Thêm vào đó, ông Duterte cho biết mình chỉ có kế hoạch “liên minh thương mại với Trung Quốc”.
Phát biểu trước thềm chuyến thăm Nhật Bản, ông Duterte cho rằng đây sẽ là “thời khắc quyết định” trong mối quan hệ chiến lược và bền vững giữa Manila và Tokyo. Có điều, tổng thống Philippines nhấn mạnh sẽ không đề cập vấn đề quân sự trong các cuộc thảo luận với giới lãnh đạo Nhật Bản.
Về phía Nhật Bản, ngoài vai trò hòa giải, Tokyo còn cung cấp cho Manila 2 tàu tuần tra cỡ lớn bên cạnh cam kết giao 10 tàu nhỏ trước đó, cùng với trực thăng huấn luyện quân sự TC-90 nhằm giúp Philippines tăng cường an ninh hàng hải ở biển Đông.
Tuy nhiên, theo tạp chí Time, dù coi trọng Nhật Bản song khuynh hướng “xoay trục” sang Trung Quốc của ông Duterte là không thể phủ nhận. Có thể nhìn thấy điều này qua những con số.
Time cho hay tại Nhật, ông Duterte dự kiến đạt được cam kết về khoản vay 48 triệu USD nhằm phát triển nông nghiệp ở đảo Mindanao cũng như đem về các thỏa thuận thương mại trị giá khoảng 2 tỉ USD - quá chênh lệch nếu so với tổng số 24 tỉ USD đầu tư và khoản vay sau chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Philippines trước đó.
Xuân Mai