Bức ảnh chú tê giác bị khách tham quan khắc tên lên lưng đã được chia sẻ rộng rãi, gây ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội Pháp trong thời gian gần đây.
Theo thông tin ghi nhận được từ sở thú Zoo La Palmyre gần khu vực Royan, Tây Nam nước Pháp, chú tê giác tên Noëlle 35 tuổi đã bị khách tham quan dùng móng tay để khắc tên lên lưng.
Trước sự việc trên, các cán bộ và nhân viên làm việc tại sở thú đều cảm thấy "sốc bởi sự thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng" của du khách. Giám đốc của Palmyre, Pierre Caille cho biết: "Ai đó đã dùng móng tay khắc chữ lên lưng của con vật.
Thật là thiếu tôn trọng, nhưng con tê giác còn chẳng nhận ra điều đó. Chúng tôi sẽ tăng cường sự hiện diện của nhân viên chăm sóc ở trong sở thú hơn nữa. Chúng tôi sẽ đảm bảo việc tương tự sẽ không lặp lại".
"Thêm một ví dụ nữa cho thấy tại sao các sở thú và rạp xiếc có sử dụng động vật nên giải thể. Mấy người này khắc cả tên của mình lên thân con tê giác.
Nếu như chỉ ở trong sở thú người ta mới chạm được vào tê giác thì nó đã được thuần hóa", người dùng Twitter @thaimythbuster đăng ảnh kèm theo chú thích.
Người này cũng cho biết thêm rằng con tê giác hiện tại không bị ảnh hưởng gì bởi hai chữ 'Julie' và 'Camille' đều được khắc lên trên một lớp bụi đất và da chết.
Hiện tại, những người yêu động vật khi đến tham quan sở thú đều có cơ hội được chạm vào con vật khi chúng lại gần khu vực hàng rào.
Đây chắc chắn là một trải nghiệm thú vị và quý giá của du khách đối với loài động vật đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng này.
Thế nhưng giám đốc sở thú cũng nhấn mạnh rằng dù họ không muốn làm gia tăng khoảng cách giữa con người với tê giác, song nếu họ phát hiện ra vụ việc tương tự như vừa rồi, những biện pháp ngăn chặn hoàn toàn sự tiếp xúc với động vật sẽ được xem xét.
Trước phản ứng của phía sở thú, tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Le Biome lại khẳng định vụ việc vừa rồi đã cho thấy một tiêu chuẩn yếu kém và lỏng lẻo của La Palmyre.
Được biết tê giác là loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất cao, những kẻ săn trộm trên khắp thế giới đã tận diệt loài này để lấy sừng, ước tính hiện tại chỉ còn khoảng 30,000 cá thể trên trái đất.
Có 5 loài tê giác thì 3 trong số đó đang ở tình trạng vô cùng nguy hiểm, có thể biến mất mãi mãi.