Hai dòng sông 'chết' ở Hà Nội gánh gần 2.000 nguồn xả thải: Bộ trưởng TN-MT nói gì?

Trang Anh |

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng cần có sự vào cuộc của tất cả các địa phương, có sự chung sức, đồng lòng cùng xử lý nguồn thải, tạo dòng chảy cho các dòng sông.

Trong phiên làm việc hôm nay, ngày 4/6, Đại biểu Quốc hội chất vấn về 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường và công thương. Trong đó, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội kể từ khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường.

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ - Đáy, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết tỉnh Nam Định cũng như các tỉnh nằm ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy là những địa phương chịu tác động nặng nề của ô nhiễm nguồn nước do nước thải chưa đạt tiêu chuẩn xả vào. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước thải từ đô thị làng nghề, nước thải công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nước thải phát sinh, trong khi đó tỷ lệ nước thải thu gom đạt tỷ lệ thấp.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị Bộ trưởng nêu rõ đánh giá về tình trạng nơi nào xả thải càng nhiều, việc xử lý nước thải càng ít? Tình trạng đô thị xả thải, nông thông gánh chịu ô nhiễm? Bên cạnh đó, ngoài giải pháp thành lập Ủy ban lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các địa phương thuộc lưu vực có các đô thị làng nghề lớn hoặc phối hợp, với các Bộ, ngành có liên quan để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước sông Nhuệ - Đáy như thế nào?

Hai dòng sông 'chết' ở Hà Nội gánh gần 2.000 nguồn xả thải: Bộ trưởng TN-MT nói gì?- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng chất vấn Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh về các giải pháp để hồi sinh các dòng sông "chết" do ô nhiễm môi trường, trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Trả lời nội dung này, bộ trưởng Khánh cho hay Luật Tài nguyên nước đặt ra yêu cầu phục hồi dòng sông chết. Trong đó, sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu… đang ô nhiễm nặng.

Về nguồn thải ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy, theo ông Khánh, Hà Nội chiếm 65%, trong đó nước thải từ sản xuất, làng nghề. Toàn sông Nhuệ, sông Đáy có 1.982 nguồn xả thải, trong đó 1.662 nguồn thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh và 39 nguồn thải là khu, cụm công nghiệp.

Vừa qua, các địa phương và bộ đã tích cực song vẫn chưa cải tạo được bao nhiêu, do các khu công nghiệp xả thải trực tiếp ra các dòng sông. Đặc biệt là cụm công nghiệp và làng nghề cũng chưa xử lý được bao nhiêu. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường hệ thống quan trắc và phân tích môi trường trên lưu vực sông Nhuệ Đáy.

Hai dòng sông 'chết' ở Hà Nội gánh gần 2.000 nguồn xả thải: Bộ trưởng TN-MT nói gì?- Ảnh 2.

Tình trạng nước thải chưa được xử lý từ các nhà máy, làng nghề; rác thải sinh hoạt… xả trực tiếp khiến sông Nhuệ bị ô nhiễm nghiêm trọng - Ảnh: VOV

Hiện nay có 5 điểm quan trắc tự động, 42 điểm quan trắc kỳ môi trường nước mặt. Ngoài ra, địa điểm xả thải có lưu vực lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thiết lập quan trắc thường xuyên và liên tục, kết nối dữ liệu online. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá sức chịu tải của các dòng sông, với quan điểm sẽ trao đổi với các địa phương có giải pháp xử lý phù hợp.

Về thu gom, xử lý chất thải, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định cần có sự vào cuộc của tất cả các địa phương, có sự chung sức, đồng lòng cùng xử lý nguồn thải, tạo dòng chảy. Ông đề nghị các địa phương tuyên truyền vận động nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp chúng tay bảo vệ. Trong thời gian tới, đầu tư công cũng cần quan tâm tới nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải này.

Có 850 tổ chức, cá nhân đã kết nối quyền số liệu hệ thống giám sát

Đối với câu hỏi của đại biểu về việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, ngày 16/5 vừa qua, hai nghị định hướng dẫn thi hành luật đã được Chính phủ ban hành. Cũng trong ngày 16/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ba thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước; quy định việc kiểm tra việc chấp pháp thi hành Luật Tài nguyên nước; quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước.

Như vậy, 28 nội dung do Chính phủ và Bộ Tài nguyên quy định chi tiết trong Luật đã được quy định chi tiết trong hai Nghị định và ba thông tư để đảm bảo tiến độ luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Hai dòng sông 'chết' ở Hà Nội gánh gần 2.000 nguồn xả thải: Bộ trưởng TN-MT nói gì?- Ảnh 3.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh - Ảnh: Quốc hội

Về chất vấn hiện đại hóa và công nghệ số đối với hệ thống quản lý điều hòa, phân phối nguồn nước, Bộ trưởng khẳng định, việc đảm bảo quản lý nguồn nước rộng khắp cả nước, chắc chắn phải sử dụng hệ thống công nghệ thông tin, quan sát giám sát.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết bộ đã triển khai hệ thống giám sát, khai thác sử dụng tài nguyên nước ở Trung ương, hiện có 850 tổ chức, cá nhân đã kết nối quyền số liệu hệ thống giám sát với Bộ.

Thời gian tới, Bộ tiếp tục nâng cấp hệ thống phân tích, đánh giá, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, thuật toán đám mây, phân tích, đánh giá sau đó tổng hợp và tham mưu trong công tác quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư hệ thống giám sát, quan trắc, kết nối với hệ thống của quốc gia, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Mục tiêu hồi sinh 4 "dòng sông chết" gồm Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Tích đã được Hà Nội quan tâm từ cách đây nhiều năm với các đề án cải tạo, các biện pháp nhằm ngăn chặn ô nhiễm. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm tại 4 sông này gần như không mấy cải thiện, thậm chí có lúc gia tăng khiến người dân Thủ đô lo ngại.

Sông Tô Lịch được gọi là dòng sông chết do nguồn nước ô nhiễm nặng. Đoạn sông lộ thiên chỉ còn khoảng gần 14km. Mỗi ngày dòng sông này phải nhận trực tiếp hơn 160.000 m3 nước thải sinh hoạt của hàng triệu cư dân thành phố. Toàn tuyến trước đây có 280 cửa nước xả thải trực tiếp ra sông, phần lớn nước không qua xử lý khiến dòng sông ô nhiễm rất nặng.

Số liệu từ TP Hà Nội thống kê cho thấy, lưu vực sông Nhuệ có khoảng 2.521 nguồn thải, trong đó có 1.672 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; 126 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 nguồn thải từ các cơ sở y tế (bệnh viện), 586 làng nghề.

Dự án đường sắt hơn 43.000 tỷ đồng bị kiện đòi 4.000 tỷ, BQL Đường sắt đô thị TP HCM nói gì?Dự án đường sắt hơn 43.000 tỷ đồng bị kiện đòi 4.000 tỷ, BQL Đường sắt đô thị TP HCM nói gì?

Ban quản lý Đường sắt đô thị TP HCM cho rằng, tổng chi phí phát sinh do Hitachi đưa ra chưa phản ánh được những chậm trễ do nhà thầu gây ra nên phải được đánh giá lại để xác định cụ thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại