Bộ Tài chính Mỹ mới đây cho biết, dầu xuất khẩu từ Nga sẽ không bị áp giá trần nếu chúng "đã trải qua quá trình xử lý đáng kể" trên lãnh thổ của một quốc gia khác.
Cụ thể, mức giá trần sẽ được áp dụng từ khi bắt đầu vận chuyển bằng đường biển cho đến khi bán lô dầu mỏ đầu tiên trên đất liền ở một khu vực tài phán khác ngoài lãnh thổ Liên bang Nga.
Nhưng nếu "vàng đen" trải qua quá trình xử lý đáng kể bên ngoài quốc gia, thì hạn chế sẽ không áp dụng cho nó.
Bình luận vấn đề trên, ông Boris Martsinkevich - Tổng biên tập tạp chí Geoenergy trong cuộc trò chuyện với tờ PolitExpert (PE) nói rằng phương Tây quyết định chừa cho mình kẽ hở với biện pháp áp giá trần, do một số lượng lớn các nhà máy lọc dầu trên khắp thế giới hiện đã đóng cửa, đồng thời nhiều công ty đã chuyển sang sản xuất nhiên liệu sinh học.
"Bây giờ lựa chọn của họ là gì? Khẩn trương khôi phục hoạt động của nhà máy lọc dầu? Nhưng điều này không xảy ra nhanh chóng. Đây là một quá trình kéo dài, vì vậy bạn cần tìm một giải pháp khác".
"Phương Tây quyết định giải quyết vấn đề theo cách này. Như vậy chúng ta có thể chế biến nhiên liệu thô tại nhà máy lọc dầu Nayara Energy ở Ấn Độ, thuộc sở hữu của Rosneft", người đối thoại của PE giải thích.
Nga có thể đã tìm ra phương thức "lách" lệnh cấm vận dầu mỏ mà phương Tây áp đặt.
"Vì không thể mua 'vàng đen' từ Liên bang Nga nên phương Tây quyết định sử dụng một nước cờ 'lạ' như vậy. Nếu một pháp nhân được đăng ký ở quốc gia khác và không liên quan trực tiếp đến Nga thì bạn có thể mua nhiên liệu từ đó mà không bị hạn chế".
"Điều này có nghĩa là mọi thứ đều rõ ràng về mặt pháp lý đối với phương Tây. Họ nói rằng đây là xăng và dầu của Ấn Độ, nó được cho là không có nguồn gốc từ Liên bang Nga", chuyên gia Martsinkevich giải thích.
"Ngoài ra Nga còn có thể lách lệnh trừng phạt với sự trợ giúp của việc chế biến trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Một nhà máy lọc dầu gần đây đã được nâng cấp bởi công ty Socar của Azerbaijan để cho ra sản phẩm dầu nhẹ Azeri".
"Phần thứ hai của hỗn hợp sẽ sử dụng thương hiệu URALS của Nga. Khi trộn lẫn, chúng tôi nhận được một 'sản phẩm dầu của Thổ Nhĩ Kỳ', cũng không bị hạn chế", vị chuyên gia năng lượng cho biết.
Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ sẽ có thể hỗ trợ Nga bán "vàng đen" cho phương Tây và Moskva đủ sức phá vỡ các biện pháp trừng phạt mà đối phương đang áp đặt.
Cần nhắc lại, giá trần đối với dầu thô của Nga vận tải bằng đường biển có hiệu lực kể từ ngày 5/12/2022. Kể từ tháng 2/2023, các hạn chế sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm xăng dầu tinh chế.
Theo điều khoản đặt ra, Australia, Thụy Sĩ, các nước G7 và EU từ chối mua dầu thô từ Liên bang Nga với mức giá trên 60 USD/thùng.
Theo PolitExpert