Đã có mặt tại Việt Nam sau chuyến đi công tác giữa tâm bão truyền thông, ông Otto de Jager - chồng ca sĩ Thu Minh - hiện vẫn chưa có phát ngôn gì về những nội dung tố cáo của nhiều doanh nghiệp gỗ với công ty Global Home diễn ra trong thời điểm ông này vẫn còn đảm nhiệm chiếc ghế CEO.
Trong 4 ngày này, số lượng doanh nghiệp được cho là có vướng mắc về thanh toán hợp đồng với Global Home gia tăng, trong đó có cả doanh nghiệp tại Hà Nội, TP HCM và Đồng Nai. Số lượng doanh nghiệp gỗ Việt xác nhận có tranh chấp với Global Home đã lên tới con số 20 đơn vị.
Theo nội dung tố cáo của nhiều đơn vị, thời gian diễn ra các hợp đồng này phổ biến từ năm 2011 đến 2014. Xét theo bằng chứng mà các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra, có hai điều khoản được phía công ty của chồng Thu Minh dựa vào để trì hoãn việc thanh toán với phía Việt Nam. Đó là điều khoản về thời gian giao hàng, và điều khoản về chất lượng sản phẩm.
Cụ thể, Global Home thường yêu cầu đối tác Việt gửi hàng mẫu cho công ty trong những lần hợp tác đầu tiên. Sau đó, phía Global Home sử dụng con dấu kiểm định chất lượng riêng của công ty để xác nhận việc hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tuy nhiên, khi tiến hành giao hàng theo đợt, các doanh nghiệp thường có chung một "kịch bản" thanh toán với Global Home: trả sòng phẳng vài lần đầu, dây dưa từ chối những lần sau và không thể liên lạc được với bên đối tác nước ngoài. Các sản phẩm đã được đóng dấu chất lượng vẫn nằm lại kho hàng của các đối tác Việt, bị Global Home từ chối nhận và không thể thanh lý, bán lại cho bên thứ ba.
Ngoài ra, Global Home cũng dựa vào điều khoản thời gian giao nhận hàng hóa để từ chối thanh toán cho đối tác Việt, dù nguyên nhân lỗi đều tư hai phía. Global Home thậm chí còn áp dụng khung phạt cao hơn so với thỏa thuận, trong khi doanh nghiệp Việt buộc phải chấp thuận phương án phạt với hi vọng đối tác sẽ nhận hàng theo cam kết.
Từ hai điều khoản trên, các doanh nghiệp Việt từ chỗ là các chủ nợ đã biến thành con nợ với Global Home. Doanh nghiệp vốn do ông Otto de Jager làm CEO không chỉ thu được các khoản tiền phạt, tận dụng được khoản trì hoãn thanh toán lớn từ đối tác Việt Nam mà thậm chí còn yêu cầu đối tác Việt chia sẻ trách nhiệm với bên thứ ba.