Tháng 5/2022, người dân Hà Nội và du khách cả nước cùng nhận tin hai công trình văn hoá - lịch sử - du lịch hoàn thiện quá trình "thay áo mới", sẵn sàng đón khách trở lại, lần lượt là phố đi bộ Trịnh Công Sơn và Nhà Thờ Lớn. Trước đây, các công trình đã từng gây tranh cãi vì diện mạo khi chưa hoàn thiện, không được lòng một bộ phận người dân. Vì vậy, "lớp áo" chỉn chu hiện nay đang được kỳ vọng vừa mang giá trị tiện ích, bảo tồn, vừa giữ được tính truyền thống, hài lòng số đông.
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn
Tháng 5/2018, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đi vào hoạt động. Là phố đi bộ thứ 2 của thủ đô, dài 900m nằm liền kề khu đầm sen, công viên nước Hồ Tây, công trình được kỳ vọng thu hút du khách, giảm tải áp lực cho khu trung tâm. Tuy nhiên sau 4 năm hoạt động, phố đi bộ Trịnh Công Sơn không được người dân và du khách sử dụng triệt để. Thậm chí các phương tiện vẫn thoải mái chạy trong các tuyến phố đi bộ.
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn nhìn từ trên cao
Cuối tháng 4/2022, UBND Quận Tây Hồ quyết định tập trung đầu tư chỉnh trang thêm các hạng mục để cải tạo không gian phố đi bộ. Theo đó, tuyến phố được thêm các hạng phục vụ tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực đường phố, nổi bật nhất với 1.000 chiếc ô sắc màu được treo phía trên đoạn đường Rặng Nhãn. Thêm vào đó, hệ thống đèn treo 8 vạn bóng đèn LED được lắp đặt hợp lý, tạo vẻ lung linh cho khu phố mỗi tối.
Sau quãng thời gian dài dừng hoạt động và cải tạo, chiều tối 7/5/2022, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã chính thức tái hoạt động. Ngay từ tối đó, hàng nghìn người dân đã tìm về vui chơi, chụp ảnh, biểu diễn nghệ thuật, nhảy cover… Không khí nhộn nhịp, đông đúc không kém phố đi bộ Hồ Gươm trung tâm.
Nhà Thờ Lớn
Ngoài là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, công trình lịch sử, Nhà Thờ Lớn còn là biểu tượng du lịch thu hút người dân cả nước và khách quốc tế.
Sau hơn 130 năm thăng trầm, Nhà Thờ Lớn có dấu hiệu bong tróc, ẩm mốc, vỡ đổ cả bên trong lẫn bên ngoài. Để đảm bảo an toàn cho người dân sinh hoạt tín ngưỡng, đồng thời tăng tuổi thọ, tính thẩm mỹ cho công trình, Nhà Thờ Lớn được trùng tu từ tháng 7/2020. Tuy nhiên phải đến cuối tháng 4/2021, việc tu sửa mới được biết đến rộng rãi khi phía ngoài công trình được giăng màn che, dựng giàn giáo.
Những hình ảnh phía ngoài Nhà Thờ Lớn tháng 4/2021, lúc này lớp sơn cũ vẫn được giữ nguyên, bắt đầu tu sửa. Phần bên trong đã được trùng tu phần lớn (Ảnh: VOV)
Hơn 1 năm từ tháng 4/2021, diện mạo trong quá trình trùng tu phía ngoài Nhà Thờ Lớn đôi lần gây tranh cãi vì có phần hiện đại, khác lạ. Một bộ phận người dân cho rằng việc sơn các lớp màu mới đã khiến công trình mất đi vẻ cổ kính xưa. Mặt khác, những người ủng hộ cho rằng việc tu sửa là cần thiết, đổi mới. Tuy nhiên, đại diện Nhà Thờ Lớn cùng phía thầu sơn đều khẳng định lớp sơn ở các thời điểm đó là chưa hoàn thiện, chưa phải diện mạo cuối cùng của công trình 135 năm tuổi.
Được biết, lớp sơn Nhà Thờ Lớn có 5 lớp, gồm sơn bả, sơn chống thấm, sơn màu (2 lớp), sơn 3D vẽ giả cổ. Vào ngày 18/5 vừa qua, quá trình vẽ giả cổ đã hoàn thiện, lộ diện lớp "áo mới" hoàn chỉnh của Nhà Thờ Lớn. Nhờ kỹ thuật điêu luyện của đội sơn, công trình từ lớp sơn hiện đại đã "cổ hoá" với những đường rêu phong, mảng bám lớp lang, gần như khôi phục được tinh thần xưa cũ và tính chất kiến trúc phương Tây đặc trưng.
"Lớp áo" của Nhà Thờ Lớn cuối cùng đã hiện diện, khôi phục vẻ ngoài cổ kính xưa, "chiều lòng" nhiều du khách